Hôm 10/7, Mỹ đã gửi một nhóm tàu sân bay tấn công tới tham gia cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản nhằm giúp giải quyết các mối đe dọa hàng hải ở khu vực này.
Cuộc tập trận thường niên mang tên Malabar 2017 đang được tổ chức ở khu vực Chennai cũng như vùng biển của Vịnh Bengal của Ấn Độ. Quy mô của cuộc tập trận này được cho là lớn nhất kể từ khi Ấn Độ và Mỹ bắt đầu tập trận vào năm 1992. Nhật Bản đã tham gia vào cuộc tập trận này ngay sau đó.
Thiếu tướng Hải quân Mỹ William Byrne cho biết: “Tôi muốn nói rằng đó là một thông điệp được gửi đến Trung Quốc”.
Quan chức quân đội Mỹ cũng cho biết, cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, tàu sân bay đơn Vikramaditya và tàu chiến trực thăng Izumo của Nhật Bản. Mục tiêu chủ yếu của cuộc tập trận là nhằm giúp duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chống lại áp lực ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Mỹ gửi tàu sân bay USS Nimitz tham gia tập trận cùng Ấn Độ, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc tập trận này, hải quân 3 quốc gia sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra, trinh sát trên biển, chiến đấu trên mặt nước và chống tàu ngầm. Bên cạnh đó, các hoạt động y tế, kiểm soát hư hại, thăm tàu, tìm kiếm cũng sẽ được triển khai.
Ba nước đã quan ngại về tuyên bố của Bắc Kinh đối với hầu hết các vùng biển của lân cận, và nghiêm trọng hơn nữa là sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong khu vực.
Đội tàu ngầm của Trung Quốc gần đây đã neo đậu ở Sri Lanka, một hòn đảo nằm ngay phía Nam Ấn Độ. Hai quốc gia láng giềng này cũng đang có tranh chấp trên đất liền khu vực dãy Himalaya.
Trước đây, Trung Quốc đã chỉ trích các cuộc tập trận gây bất ổn cho khu vực. Vì vậy, hồi đầu năm 2017, Ấn Độ từng từ chối lời đề nghị tập trận chung của Úc để không gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng vừa qua, Hải quân Mỹ đã phát hiện ra hơn 10 tàu quân sự của Trung Quốc bao gồm cả tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương, làm dấy lên lo ngại về an ninh hàng hải trong khu vực. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: "Hợp tác Hải quân giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản là mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững giữa 3 nền dân chủ”.
(Theo Reuters)