Chinanews dẫn thông tin đăng tải trên trang chủ của Nhà Trắng ngày 1/3 (giờ địa phương) cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đã được ban bố đối với tình hình Ukraine thêm một năm.
Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp theo Sắc lệnh hành pháp số 13660 đã ký vào ngày 6/3/2014. Kể từ đó, một số mệnh lệnh hành pháp đã được ban hành để mở rộng phạm vi của tình trạng khẩn cấp.
Tổng thống Biden cho rằng các hành động và chính sách được đề cập trong sắc lệnh hành pháp có liên quan "tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Tuần trước, trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington đã viện trợ khoảng 50 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Bên cạnh các gói vũ khí quân sự, Mỹ đã cung cấp 14 tỷ USD để hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế của Ukraine. Bà Yellen cũng đồng thời lưu ý rằng Mỹ có kế hoạch giải ngân thêm 8 tỷ USD cho các nhu cầu tương tự trong tương lai gần.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cùng các nước đồng minh nhóm G7 cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho Ukraine và tuyên bố sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga.
Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal cho biết Mỹ là quốc gia đóng góp vốn nước ngoài lớn nhất cho nền kinh tế Ukraine trong năm 2022.
Trước đó vào ngày 24/2, tròn một năm xung đột Nga - Ukraine, Mỹ đã công bố gói biện pháp trừng phạt sâu rộng để gây thiệt hại kinh tế cho Nga, nhắm vào các ngành ngân hàng, khai thác mỏ và công nghiệp quốc phòng, với "hơn 200 cá nhân và tổ chức, bao gồm cả của Nga và nước thứ ba trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông vốn đang ủng hộ Nga". Trong số những đối tượng chịu các biện pháp trừng phạt mới, sẽ có "hàng chục tổ chức tài chính của Nga".
Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gần 90 doanh nghiệp Nga và nước thứ ba "vì đã tham gia các hoạt động né tránh trừng phạt và thực hiện hoạt động hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng của Nga". Ngoài ra, ngành khai khoáng và kim loại của Nga cũng nằm trong tầm ngắm trừng phạt kinh tế.
Theo Reuters, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 200% đối với nhôm và các sản phẩm phái sinh được sản xuất tại Nga có hiệu lực từ ngày 10/3 tới, đồng thời áp đặt mức thuế 200% đối với nhôm nhập khẩu với bất kỳ lượng nhôm sơ cấp nào được nấu chảy hoặc đúc ở Nga, bắt đầu từ ngày 10/4 tới.
Hoa Vũ (Theo Chinanews, Reuters)