Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ gây áp lực, muốn Iran ngừng bán máy bay không người lái cho Nga

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Mỹ được cho là đang gây áp lực để Iran ngừng bán máy bay không người lái (UAV) cho Nga, như một phần thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng hai bên và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân âm ỉ từ lâu.

Tờ Financial Times đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu vấn đề cung cấp UAV với Iran tại các cuộc đàm phán gián tiếp ở Qatar và Oman về việc trao đổi tù nhân giữa hai nước.

Theo đó, Iran sẽ chuyển 5 tù nhân mang quốc tịch Mỹ sang quản chế tại gia - bước đầu tiên trong việc đưa những người này về Mỹ trong những tuần tới. Ở chiều ngược lại, Washington sẽ ngừng đóng băng 6 tỷ USD của Iran được gửi tại Hàn Quốc. Theo Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, số tài sản này sẽ được dùng để nâng cao năng lực sản xuất nội địa.

Máy bay không người lái Iran. Ảnh: AP

Một quan chức Iran cho biết, trong nội dung cuộc đàm phán, Mỹ muốn Iran ngừng cung cấp máy bay không người lái cho Nga, loại mà Moscow đang sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, cũng như các phụ tùng thay thế.

Cũng theo nguồn tin trên, Tehran đã nhiều lần yêu cầu Moscow ngừng triển khai chúng trong cuộc xung đột, nhưng Washington muốn có "các bước đi cụ thể hơn".

Phía Moscow trước đó cũng bác bỏ thông tin máy bay của Iran được sử dụng ở Ukraine, nói rằng Nga chỉ sử dụng phiên bản UAV Shahed do nước này tự sản xuất trong chiến dịch quân sự của mình.

Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đã sử dụng gần 2.000 máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136/131 mua từ Iran để tấn công Ukraine kể từ tháng 9/2022.

Phía Nga khẳng định họ sử dụng dòng Geran-2 nội địa, nhưng Kiev và phương Tây cho rằng Moscow thực tế sử dụng UAV của Tehran nhưng sơn lại để biến nó thành Geran-2. Còn Iran tuyên bố đã chuyển giao loạt phi cơ Shahed-136 cho Moscow từ trước khi chiến sự bùng phát.

Trước đó, Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby hồi tháng 6 nói rằng Mỹ có thông tin Nga nhận vật liệu cần thiết từ Iran để xây dựng nhà máy sản xuất dòng Shahed-136/131, thêm rằng cơ sở này có thể hoạt động vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (CAR) có trụ sở tại Anh đã công bố báo cáo cho thấy Nga đã sao chép, cải tiến thành công mẫu Shahed và bắt đầu tự sản xuất phiên bản Geran-2 nội địa. Dây chuyền Geran-2 dường như đã hoạt động từ tháng 3 và loại phi cơ này đang tham gia nhiều đợt tập kích mục tiêu tại Ukraine.

Theo Financial Times, một cuộc trao đổi tù nhân thành công hay bất kỳ thỏa thuận không chính thức bổ sung nào đều sẽ đánh dấu bước đột phá đầu tiên của Tổng thống Joe Biden đối với Iran sau hơn hai năm đàm phán. Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Mỹ đã cố gắng hồi sinh hiệp định về hạt nhân đã được Tehran ký với một số cường quốc năm 2015.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang theo đuổi chiến lược răn đe, áp lực và ngoại giao để đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời buộc Tehran phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi thấy rõ rằng Iran phải xuống thang để tạo không gian ngoại giao trong tương lai. Việc di chuyển những người bị giam giữ của chúng tôi ra khỏi nhà tù và đến nơi giam giữ tại gia không liên quan đến bất kỳ khía cạnh nào khác trong chính sách Iran của chúng tôi”, ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

“Nếu các cuộc đàm phán thành công sẽ dẫn đến việc cả hai bên đồng ý các biện pháp giảm leo thang. Đối với Iran, điều này có nghĩa là đồng ý không làm giàu uranium trên 60% độ tinh khiết, cải thiện sự hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và cam kết không nhắm mục tiêu vào người Mỹ”, các quan chức Iran cho biết.

Đổi lại, Washington sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới trong một số lĩnh vực, ngoại trừ những lĩnh vực liên quan đến nhân quyền và sẽ không giám sát chặt chẽ các biện pháp trừng phạt đã có đối với việc bán dầu.

Iran đồng thời muốn Mỹ thuyết phục các đồng minh châu Âu cũng giảm bớt áp lực lên Tehran, khi nền kinh tế nước này đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi cựu tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp định hạt nhân năm 2015.

Quan chức Iran cho biết mối lo ngại của Tehran là Anh, Đức, Pháp và các bên châu Âu ký kết thỏa thuận năm 2015 tìm cách áp dụng lại một số biện pháp trừng phạt, khi các điều khoản trong hiệp định hạt nhân hết hiệu lực vào tháng 10.

"Chúng tôi rất lo ngại về tháng 10”, quan chức này nói, "Chúng tôi hy vọng [Mỹ] sẽ giảm bớt áp lực lên Iran từ các phía khác nhau”. Vị quan chức cho biết thêm, Mỹ và Iran đã đạt được thỏa thuận về hầu hết các vấn đề, nhưng các cuộc thảo luận - được tổ chức thông qua trung gian - sẽ tiếp tục ở Qatar và Oman.

Mộc Miên (Theo Financial Times)

Tin nổi bật