Dù không có khả năng “chạy việc”, nhưng bà Đỗ Thị Xuân, giáo viên Trường THPT Hợp Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội) đã hứa hẹn và cầm gần 700 triệu của người có nhu cầu xin việc. Tuy nhiên, khi hết thời gian đã hứa hẹn bà Xuân vẫn không trả lại người bị hại số tiền trên khiến họ bức xúc và tố giác ra cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Đơn tố giác, phản ánh của ông Dương Văn Thức gửi cơ quan báo chí |
Nhận tiền “chạy việc” dưới hình thức vay tiền
Theo nội dung đơn thư ông Dương Văn Thức cung cấp, trước đó, ông có quen biết bà Đỗ Thị Xuân trú tại thôn Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức – Hà Nội) là giáo viên tại trường THPT Hợp Thanh trên địa bàn. Thấy chị Xuân “quảng cáo” là mình có nhiều mối quan hệ nên ông đã nhờ chị Xuân xin việc cho 5 cháu trong gia đình.
Bà Xuân hứa hẹn sẽ xin việc cho các cháu của ông Thức vào những vị trí như: Giáo viên THPT Mỹ Đức, giáo viên mầm non, giáo viên cấp 2…và một số vào vị trí kế toán trường học...“Vì tin tưởng vào những lời giới thiệu của chị Xuân nên tôi đã giao cho chị Xuân tổng số tiền là 695.000.000 đồng (sáu trăm chín mươi lăm triệu đồng). Khi giao nhận tiền chị Xuân đều có giấy viết tay, thể hiện nội dung vay tiền”, ông Thức khẳng định.
Mặt khác, trong đơn ông Thức cũng cho biết: Trong trường hợp không chạy được việc thì bà Xuân có hứa hẹn sẽ trả lại ông số tiền đã nhận là 695.000.000 đồng. Tuy nhiên, đã quá thời hạn như bà Xuân đã “hứa hẹn” xin được việc cho các cháu ông mà vẫn chưa có kết quả nên ông Thức nhiều lần yêu cầu bà Xuân trả tiền nhưng bà Xuân đều lánh mặt, khất lần không trả.
Một trong 05 giấy vay tiền của bà Đỗ Thị Xuân viết khi nhận tiền chạy việc từ ông Thức |
Kèm theo nội dung đơn nêu trên, ông Thức đã gửi tới cơ quan chức năng những tài liệu, giấy vay tiền có liên để chứng minh việc bà Đỗ Thị Xuân cầm của ông gần 700 triệu đồng vào mục đích chạy việc là đúng sự thực. Cụ thể là 05 giấy vay tiền đều do bà Đỗ Thị Xuân viết vay của Dương Văn Thức ở các thời điểm khác nhau (Ngày 12/01/2016 với số tiền 190.000.000 đồng + 40.000.000 đồng, ngày 01/10/2016 cới số tiền là 65.000.000 đồng, ngày 3/12/2016 vay 90.000.000 đồng + 50.000.000 đồng và ngày 10/8/2017 là 100.000.000 đồng). Trên các giấy vay tiền nói trên, bà Xuân đều thể hiện rõ thời hạn trả lại tiền và nếu không trả sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Đáng chú ý, ông Thức còn cung cấp một đoạn video dài 30 phút ghi lại quá trình đối thoại giữa bà Đỗ Thị Xuân và người bị hại. Theo đó, bà Xuân một lần nữa đã thừa nhận toàn bộ 05 giấy vay tiền trên là do bà trực tiếp viết và mục đích của việc nhận số tiền trên là để “chạy việc”. Bà Xuân cũng đã thừa nhận không chỉ trực tiếp nhận số tiền gần 700 triệu đồng của người có nhu cầu xin việc mà bà còn cầm hồ sơ, bằng cấp và những giấy tờ khác của họ để phục vụ cho việc xin việc.
Để làm sáng tỏ những thông tin mà bạn đọc cung cấp, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường THPT Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội và bà Đỗ Thị Xuân.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh cho biết: Bà Đỗ Thị Xuân đang là giáo viên công chức dạy Thể dục tại trường nhiều năm nay. Nhà trường cũng đã nắm được thông tin ông Thức phản ánh việc bà Xuân vay tiền gần 700 triệu đồng. Bản thân ông khi biết sự việc cũng đã mời cô Xuân lên để trao đổi, động viên bà Xuân cam kết trả nợ cho ông Thức.
Khi PV trao đổi đoạn video chính bà Đỗ Thị Xuân đã thừa nhận cầm số tiền trên của ông Thức với mục đích thực sự là để “chạy việc” thì vị đại diện Trường THPT Hợp Thanh cho biết quan điểm: “Nếu cô Xuân vi phạm về dân dự hay hình sự...Nhà trường sẽ căn cứ vào kết luận của Công an và các cơ quan chức năng để có biện pháp báo cáo xử lý cán bộ công chức theo đúng quy định của pháp luật”.
Bà Đỗ Thị Xuân trong buổi làm việc với PV |
Khi PV liên hệ làm việc với bà Đỗ Thị Xuân tại Trường THPT Hợp Thanh về những diễn biến có liên quan đến vụ việc thì bà Xuân lại tìm cách né tránh báo chí. Bà lấy lý do không làm việc với PV vì PV chưa xuất trình Thẻ nhà báo, chỉ giấy giới thiệu không là chưa đủ điều kiện làm việc.
Dấu hiệu lừa đảo chiến đoạt tài sản
Liên quan đến hành vi nhận tiền chạy việc được che đậy dưới vỏ bọc nhận vay tiền, một số Luật gia phân tích, theo đó khi đối tượng nhận tiền với mục đích chính là "chạy việc" nhưng khi không thành mà không trả lại toàn bộ số tiền đã nhận ban đầu có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Một Luật gia cho biết, trong trường hợp trên, bà Đỗ Thị Xuân không có khả năng xin việc nhưng lại “tự giới thiệu” với người có nhu cầu về khả năng có thể xin việc, thì hành vi đó đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu bà Xuân có chức vụ, có khả năng xin việc và quyết định định việc tuyển dụng thì bà Xuân có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Mặc khác, một số Luật gia phân tích dù trong trường hợp nào đi chăng nữa nhưng giao dịch giả tạo nhằm che đạy hành vi phạm tội đều là giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015.Theo đó,giao dịch dân sự giữa người nhờ xin việc và người chạy việc có mục đích là dùng tiền xin việc. Xét về khía cạnh chuẩn mực đạo đức xã hội pháp luật không đảm bảo về giao dịch dân sự, tức không đủ điều kiện tại Điểm c Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó giao dịch dân sự vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận khôi phục tình trạng ban đầu. Trường hợp tình huống bạn nêu vì bên danh nghĩa chạy việc không trả, thì người bị hại có thể khởi kiện vụ án dân sự (kèm theo chứng cứ chứng mình việc giao nhận...) để đòi lại khoản tiền.
Việc hứa hẹn dùng tiền để lo lót chạy việc xưa nay vốn đã để lại nhiều hệ quả xấu cùng với đó là hành vi vi phạm pháp luật. Để sáng làm tỏ vấn đề, rất mong các ban ngành, cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ.
"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ." |
G.Nam - N.Lý