Trước đó, Mỹ đã cung cấp đạn chùm tích hợp trong đạn pháo 155mm cho Ukraine và chứng kiến hiệu quả của vũ khí này trong những tháng qua. Vì vậy, Washington đang xem xét viện trợ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) hoặc Hệ thống rocket phóng loạt dẫn đường (GMLRS) chứa đạn chùm, hoặc cả hai loại vũ khí này cho Kiev.
ATACMS là tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 300 km, được truyền thông phương Tây gần đây đồn đoán sắp được chuyển giao. Trong khi đó, GMLRS là tên lửa có tầm bắn hơn 70 km, mang đầu đạn phân mảnh với hơn 100.000 mảnh tungsten sắc nhọn. Loại vũ khí này đã được chuyển cho Ukraine trong nhiều tháng qua.
Nếu được phê chuẩn thì việc chuyển giao sẽ diễn ra nhanh chóng. Việc kết hợp tên lửa tầm xa với đạn chùm sẽ giúp Kiev có thể thự hiện các đòn tấn công sâu hơn vào vùng do Nga kiểm soát với sức công phá lớn. Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về thông tin mà Reuters cung cấp.
Tên lửa ATACMS rời bệ phóng trong lần diễn tập ở Delamere (Australia) hôm 26/7. Ảnh: US Army
Hai nguồn tin tiết lộ, với việc cuộc phản công của Ukraine chống lại lực lượng Nga có bước tiến, Mỹ mong muốn tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine vào thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, cả 4 quan chức đều nói quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Ukraine hiện đang sử dụng đạn pháo 155 mm có tần bắn tối đa khoảng 45km, chứa 48 quả đạn con bên trong. Trong khi đó, hệ thống tên lửa ATACMS có thể mang khoảng 300 quả đạn nhỏ hoặc nhiều hơn, còn hệ thống rocket GMLRS chứa được 404 quả.
ATACMS và GMLRS đều có thể được phóng từ các giàn phóng M270 và HIMARS (Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao) mà Ukraine đang có nhưng các giàn phóng này cần được nâng cấp phần mềm.
Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang có cách tiếp cận khá thận trọng liên quan đến việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, với lo ngại chúng có thể được dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Hành động này có thể khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.
XEM THÊM: Nga tố Ukraine dùng UAV liên tục tấn công vùng biên giới
Trước đó, ông Dan Rice – cựu sĩ quan quân đội Mỹ nhận định các rocket tầm xa mang theo đạn chùm bắn từ HIMARS có thể sẽ là “chìa khóa” giúp Ukraine xuyên qua mạng lưới phòng tuyến kiên cố của Nga. Theo ông, các rocket chứa đạn chùm sẽ cho phép binh sĩ Ukraine "săn lùng" pháo binh Nga - vũ khí gây ra thương vong lớn cho Kiev.
"Nếu Ukraine có 2.000 rocket chứa đạn chùm, tôi nghĩ chiến sự (với Nga) sẽ kết thúc", ông Rice - người từng là cố vấn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi nói.
Ông Rice tính toán, so với đạn pháo 155mm mà Ukraine đang sở hữu, rocket tầm xa chứa đạn chùm sẽ tăng khả năng Ukraine đánh trúng các hệ thống pháo của Nga lên 88 lần. Kết hợp với việc dùng tên lửa chồng radar, Ukraine có thể phá hủy khả năng phản pháo của Nga.
Ukraine hiện đang sử dụng đạn pháo 155 mm có tần bắn tối đa khoảng 45km, chứa 48 quả đạn con bên trong. Ảnh: AFP
Được biết, đạn chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc nhưng các đầu đạn này cũng có tỷ lệ "xịt" nhất định. Đạn xịt có thể sót lại ở các vùng đất bị tấn công, biến chúng thành một bãi mìn và gây nguy hiểm cho người dân suốt hàng thập niên sau đó.
Bom, đạn chùm bị cấm tại hơn 100 nước nhưng Mỹ, Nga và Ukraine đều không ký kết công ước về việc cấm sản xuất hay sử dụng loại vũ khí nguy hiểm gây tranh cãi này. Tuy nhiên, Mỹ đảm bảo việc cung cấp đạn chùm cho Kiev không phải là trang bị vũ khí cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga.
Bên cạnh đó, theo giới chức Mỹ, Kiev đã đưa ra cam kết bằng văn bản với Washington rằng họ sẽ không sử dụng các quả đạn chùm trong khu dân cư, đồng thời lưu lại thông tin về nơi họ sử dụng các quả đạn, nhờ đó các nỗ lực rà phá bom mìn sau này trở nên dễ dàng hơn.
Đinh Kim (T/h)