Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mục sở thị ngôi làng độc nhất ở cố đô "khai sinh" Táo quân

(DS&PL) -

Cứ vào những ngày gần cuối năm, nhiều hộ dân ở ngôi làng Địa linh, phường Hương Vinh, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại tất bật với công việc đúc tượng ông Công ông Táo hay còn gọi là Táo quân để phục vụ tục cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Độc đáo từ lúc “khai sinh”

Cách trung tâm Tp.Huế khoảng 10km, ngôi làng Địa Linh hình thành vào khoảng thế kỷ 15, từ bao đời nay, người dân cần mẫn nặn tượng ông Công ông Táo cứ vào mỗi dịp cuối năm. Cha truyền con nối, lưu giữ nghề truyền thống ông cha, làng Địa Linh nằm dọc hai bên Tỉnh lộ 4, nơi từng là cửa ngõ thông thương giữa phố Thanh Hà và Bao Vinh. Ở gần cạnh sông Hương, Địa Linh là ngôi làng duy nhất ở Thừa ThiênHuế còn làm nghề nặn tượng ông Công ông Táo, với quy trình sản xuất độc đáo ngôi làng này là nơi sản sinh ra hàng vạn Táo quân trong mỗi dịp cuối năm.

Khi những tờ lịch treo tường gần cuối được xé đi, điểm báo một năm mới đang đến gần, cũng chính lúc này các lò nung tượng ông Công ông Táo lại càng tất bật hoạt động hết công suất để cho ra đời hàng vạn tượng ông Công ông Táo, rồi sau đó những sản phẩm này được người dân đưa đi khắp nơi trong tỉnh cũng như các tỉnh thành trên cả nước phục vụ Tết ông Táo.

Những ngày đầu tháng Chạp, khi có mặt ở ngôi làng Địa Linh hai bên đường ở ngôi làng này có hàng nghìn ông Công ông Táo được người dân đem ra “tắm nắng” rồi sau đó phải trải qua thêm nhiều công đoạn nữa sản phẩm đặc biệt này mới được hoàn thành.

Để cho ra đời một sản phẩm ông Công ông Táo đẹp và bền người thợ phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ.

Trò chuyện với PV, ông Võ Văn Nhật, một người dân làm tượng ông Công ông Táo ở làng Địa Linh cho biết, cứ mỗi dịp gần Tết, gia đình ông lại cần mẫn sản xuất, nung tượng ông Công ông Táo để phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Nhật kể, tiếp xúc với công việc này từ ngày bé, cuộc sống của ông gắn liền với đất sét được lấy sau cánh đồng làng. Đến tuổi kiếm cái nghề mưu sinh, ông chọn ngay nghề của cha ông để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa giữ nghề truyền thống của gia đình.

Ngồi bên những dãy tượng ông Công ông Táo vừa được rời khuôn, ông Nhật thoăn thoắt lấy đất bỏ vào khuôn gỗ, dùng lưỡi dao làm bằng dây phanh xe tải gạt phần đất thừa. Nếu có chỗ bị lõm, ông Nhật lại thêm ít đất vào rồi gõ gõ mạnh vào khúc gỗ phẳng, lúc này, một tượng ông Công ông Táo bắt đầu được thành hình. Tiếp đó, ông Nhật lại nhanh tay lấy ít tro rắc vào khuôn gỗ để ông Công ông Táo tiếp theo không bị dính nhau. Một ngày trôi qua, ông Nhật làm ra hơn 300 tượng ông Công ông Táo, cứ thế, một năm hàng nghìn ông Công ông Táo được ra đời.

“Để làm ra tượng ông Công ông Táo vừa đẹp vừa bền, quan trọng và cũng vất vả nhất chính là khâu làm đất sét và đúc, tôi phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất. Sau đó, nhào đất chín, khi nhồi vào khuôn, tôi phải ép chặt nếu không tượng sau này bị méo. Loại tro cũng phải có yêu cầu đó là loại tro phải trắng để sản phẩm khi làm ra được đẹp hơn”, ông Nhật nói.

Khi bức tượng ông Công ông Táo rời khỏi khuôn gỗ, ông Nhật nâng niu đặt tượng xuống những viên gạch đỏ để rút nước trước khi mang đi phơi. Ông Nhật chia sẻ, thời tiết năm nay mưa nhiều khiến việc phơi ông Công ông Táo trước khi nung gặp khó khăn, ông phải nghĩ ra cách tận dụng sức nóng từ lò nung để xếp tượng xung quanh nhằm sấy khô tượng nhanh hơn. Để nung một mẻ ông Công ông Táo mất khoảng 2 ngày, làm nguội 2 ngày.

Với gần 40 năm làm nghề đúc tượng ông Công ông Táo, ông Nhật đã chứng kiến không biết bao nhiêu mẻ ông Công ông Táo ra đời, cái nghề tuy vất vả, cực nhọc nhưng lại giúp gia đình ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nhọc nhằn “giữ lửa” nghề

Cách nhà ông Nhật khoảng vài bước chân, vợ chồng ông Võ Văn Nam, có thâm niên hơn 3 thập kỷ làm nghề đúc tượng ông Công ông Táo, cẩn thận chuyền tay nhau, xếp hàng ngàn tượng ông Công ông Táo vào lò nung. Ông Nam bật mí, công đoạn xếp tượng vào lò cũng rất quan trọng, các bức tượng phải xếp thành từng hàng nhiều lớp, trên dưới xen kẽ, giữa các lối có khoảng trống để lửa cháy đều, tránh bị nổ, vỡ nát trong khi nung.

Mỗi mẻ tượng khi ra lò được tô vẽ bằng nhiều màu sắc, rắc bột kim tuyến bắt mắt, nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Đang miệt mài “làm đẹp” cho những bức tượng vô tri vô giác, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, tỉ mỉ từng đường nét tô cho những bức tượng ông Công ông Táo được bắt mắt hơn. Chị Linh tâm sự, trước đây, tượng ông Công ông Táo ít được trang trí, những năm trở lại đây, để đáp ứng như cầu của người tiêu dùng, tượng ông Công ông Táo được tô thêm nhiều màu sắc rực rỡ. “Nghề làm ông Công ông Táo thu nhập không nhiều, chỉ đủ sống qua ngày. Một tượng tôi bán với giá 500 đến 2.000 đồng, mặc dù làm cả ngày nhưng thu nhập chỉ được khoảng 100.000 đồng”, chị Linh nói.

Công đoạn cuối cùng và quan trọng nhất để làm ra một sản phẩm ông Công, ông Táo đẹp và bắt mắt đó là sơn màu, vẽ trang trí tượng.

Tranh thủ những ngày về thăm nhà sau thời gian đi làm thợ xây ở tỉnh Quảng Nam, anh Võ Văn Danh, chồng chị Linh cho biết, ngồi đúc mãi rồi cũng đau lưng, mỏi tay, nhưng để giữ nghề truyền thống của cha ông và kiếm thêm thu nhập nên cố gắng làm lụng, cố gắng tạo tượng ông Công ông Táo vì nghề gia truyền, để lưu giữ nét văn hóa truyền thống.

Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh thông tin, trước đây, làng Địa Linh có nhiều hộ dân làm nghề đúc tượng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, hiện làng này chỉ còn 4 hộ theo nghề. “Nguyên nhân của sự giảm sút này là do thu nhập thấp, nhiều người dân không ham muốn đi theo nghề nữa nên nghề làm ông Công ông Táo dần mai một. Nghề làm ông Công ông Táo mang lại giá trị truyền thống của ngày xưa, những ngày giáp Tết, nhiều người dân khắp nơi sẽ mua ông Công ông Táo để thay trong ngày tiễn Táo quân về chầu trời, đây là một nét đẹp văn hóa”, ông Giàu chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Đại Vinh, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, bên cạnh việc xem trọng bàn thờ của tổ tiên và cửa ngõ, trong phong tục lâu đời của người dân xứ Huế, giá trị phong thủy của bếp núc rất quan trọng, các yếu tố tổng hợp sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn cho các gia đình. Do đó, ông Công ông Táo thờ hết năm phải mua ông mới, nên nghề nặn tượng ông Công ông Táo chưa bị thất truyền, tuy nhiên, để gắn bó với nghề sẽ gặp nhiều khó khăn.

Công Định

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm dần 2022

Tin nổi bật