Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mùa xuân đầu tiên của Làng Nủ sau hồi sinh diệu kỳ

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

5 tháng sau cơn bão tàn khốc, dân làng Nủ đã vực dậy cuộc sống, dựng xây một tương lai mới, những nụ cười đã trở lại, mầm xanh đã bắt đầu lớn dần.

Những mái nhà khang trang tại khu tái định cư Làng Nủ trên đồi Sim.

Sự hồi sinh diệu kỳ

Làng Nủ, một cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày nằm dưới chân núi Voi, đã hứng chịu một trận lũ quét dữ dội vào sáng ngày 10/9/2024. Lũ quét cuốn trôi nhà cửa, đất đai và làm mất đi gần như toàn bộ tài sản, khiến 60 người chết, 7 người mất tích và hàng chục hộ gia đình mất nhà cửa. Thảm họa này đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho người dân nơi đây. Nhưng cũng chính từ nỗi đau đó, một làn sóng hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân cả nước đã giúp Làng Nủ hồi sinh, vươn lên từ đổ nát, hoang tàn.

Sau gần ba tháng khẩn trương, nỗ lực không mệt mỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các đơn vị thi công như Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn,, 40 căn nhà tái định cư tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 15 ngày và được bàn giao cho người dân.

Chị Sầm Thị Nhiên dọn dẹp trước căn nhà được hỗ trợ.

Vừa dọn dẹp lại khoảng sân trước căn nhà mới, chị Sầm Thị Nhiên không giấu nổi sự xúc động. Trong cơn bão dữ, chị đã mất đi 5 người thân trong đó có một người con trai của của chị. “Những gì đã qua vẫn như một cơn ác mộng với tôi. Nhưng tất cả đã qua, thật may mắn vì chúng tôi được hỗ trợ tốt nhất để ổn định tại khu tái định cư. Hiện tại, tôi tập trung cải tạo ruộng, trồng rừng để phát triển cuộc sống, thay người thân đã mất cùng dân làng vực dậy và phát triển làng Nủ”, chị Sầm Thị Nhiên chia sẻ.

Dân làng Nủ tập trung cải tao ruộng, đất để phát triển kinh tế.

Mở ra trang mới, “chắp cánh” những ước mơ

Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua là một cái tết đáng nhớ của người dân Làng Nủ. Họ đón tết ở một căn nhà mới, vùng đất mới. Có những gia đình vẫn đông đủ thành viên, có những nhà chỉ còn một vài người. Người thân của họ đã về với núi rừng, tiếp tục dõi theo sự phát triển của thôn làng. Ai cũng có nỗi niềm riêng, nhưng họ đều thấy vô cùng biết ơn sự cố gắng của đồng bào, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà Nước, các mạnh thường quân. Những người ở lại tiếp tục thay người thân bước tiếp trên chặng đường dựng xây cuộc sống mới, xây dựng quê hương.

Cách nhà của chị Sầm Thị Nhiên không xa là căn nhà của gia đình ông Hoàng Văn Tin. Ông Tin mất 2 người thân, nhà và tài sản cũng đã bị cuốn theo dòng lũ dữ. Hiện những người còn lại trong gia đình ông Tin dự định sẽ đi làm ăn xa để phát triển kinh tế gia đình.

Cháu gái và con dâu của ông Hoàn Văn Tin tại căn nhà mới ở khu tái định cư.

Sau khi khu tái định cư được xây dựng, người dân đã bốc thăm lấy nhà để đảm bảo công bằng, minh bạch. Khu tái định cư làng Nủ nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào làng được đổ bê tông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96 m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.

Được chuyển về nhà ở mới khang trang, sạch đẹp, gác lại những đau thương, vợ chồng ông Nguyễn Tiến An, (67 tuổi) đang cùng bà con nơi đây hướng đến một cuộc sống mới với những điều tốt đẹp phía trước.

Ông Nguyễn Tiến An cùng vợ cặm cụi bên bếp lửa để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Căn nhà của ông đã được trang bị khá đầy đủ vật dụng cần thiết, nhiều đồ dùng sinh hoạt trong nhà là do các tổ chức, cá nhân tài trợ, số còn lại do vợ chồng ông tự mua sắm.

Tại Làng Nủ, hoa đã nở, những luống rau xanh mát đã nảy mầm, cuộc sống của người dân từng bước đi lên.

Tại Khu tái định cư Làng Nủ mới, từng ngôi nhà đều có khu vườn trồng rau bên hông và phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào, với diện tích đất sử dụng khoảng 1.000 m2 mỗi nhà. Làng mới có các công trình phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2, điểm trường mầm non và tiểu học cũng được hoàn thiện.

Trải qua những đau thương và mất mát, trẻ em tại làng Nủ tiếp tục được đến trường tiếp tục hành trình tìm con chữ.

Điểm trường mới được xây dựng trên diện tích 220 m2, bao gồm các phòng học, bếp ăn, phòng sinh hoạt chung và các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em nơi đây. Đặc biệt, khu tái định cư còn được xây dựng hệ thống điện, nước và viễn thông đầy đủ, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Một em bé tại Làng Nủ hân hoan rảo bước đến ngôi trường mới.

Những mái nhà vững chãi và tình nghĩa đồng bào

Nhà tưởng niệm các nạn nhân trong vụ lũ quét kinh hoàng được xây dựng ngay sát với nhà văn hóa của thôn. Trong khuôn viên của sân nhà văn hóa cũng được bố trí thành điểm lưu giữ các kỷ vật của người dân làng Nủ, những dấu ấn của cơn lũ quét kinh hoàng đã xóa sổ ngôi làng. Khu tưởng niệm được thiết kế và đặt tại vị trí trang trọng để các thế hệ mai sau luôn nhớ về những người đã nằm xuống, những ngày tháng mất mát, đau thương của ngôi làng.

Khu tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ lũ quét tại Làng Nủ.

Những hiện vật của trận lũ quét vẫn được lưu giữ nguyên vẹn tại khuôn viên khu tưởng niệm. Tại nhà văn hóa của thôn, nhiều bức ảnh được trưng bày ghi dấu lại thời điểm đen tối khi xảy ra bão lũ. Cùng với đó là sự quật cường của người dân, sự chung tay của đồng bào cả nước khi dành mọi sự hỗ trợ, yêu thương cho Làng Nủ.

Ông Hoàng Văn Diệp - Trưởng thôn Làng Nủ - cho biết: “Khu tưởng niệm này dành để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ lũ quét tại thôn. Còn ở phía ngoài nhà văn hóa sẽ để dành trưng bày, lưu giữ các hiện vật như xe máy, đồ dùng sinh hoạt… còn sót lại sau khi xảy ra thiên tai. Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để mọi người ghé thăm, thắp hương tưởng niệm những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng, là ký ức không bao giờ quên của bà con Làng Nủ”.

Đây không chỉ là nơi sinh sống mới của dân làng Nủ, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, hy vọng và tình yêu thương của cả nước đối với bà con vùng cao sau thảm họa thiên tai tàn khốc. Tại Làng Nủ, những luống rau đã nảy mầm trên mảnh đất mới, cây xanh và nhiều loại hoa cũng đã được đem về để gieo thêm sức sống cho bản làng.

Tin nổi bật