Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mưa lớn kéo dài, Đà Nẵng sơ tán hàng ngàn hộ dân khỏi vùng rốn lũ ngay trong đêm

  • Bảo An
(DS&PL) -

Tối 13/10, TP. Đà Nẵng ghi nhận mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt ở hơn 100 điểm. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lực lượng chức năng đã gấp rút sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các điểm ngập tại quận Liên Chiểu, Thanh Khê.

Báo Đà Nẵng đưa tin, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, tối 13/10 xảy ra mưa rất to trong thời gian ngắn, nhất là từ 14h đến 18h cùng ngày đã gây sạt lở ở Km 905 đường đèo Hải Vân và nhiều điểm ngập lụt tại các khu vực trũng thấp với chiều sâu từ 30-50cm, có nơi ngập sâu 0,8-1m.

Nguồn tin địa phương cho biết, theo thống kê từ các quận: quận Thanh Khê có 13 điểm ngập, quận Liên Chiểu có 46 điểm, quận Cẩm Lệ 14 điểm, quận Sơn Trà 21 điểm, quận Hải Châu 29 điểm...

Mưa lớn kéo dài, khiến nhiều nơi ngập cao lên đến 1m. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Để bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân tại các khu vực thấp trũng, quận Liên Chiểu đã triển khai sơ tán 274 người dân, trong đó có 250 người sơ tán tại chỗ (sang những nhà cao hơn); 24 người sơ tán tập trung, gồm: 20 người sơ tán đến Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, 4 người sơ tán đến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Quận Thanh Khê sơ tán 35 người ở khu vực Khe Cạn (tổ 26 và 27, phường Thanh Khê Tây).

Huyện Hòa Vang sơ tán 13 hộ dân (50 người), trong đó, UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) sơ tán 21 người ở khu vực Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây 1; UBND xã Hòa Bắc di dời 29 người ở thôn Tà Lang đến nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, mưa lớn làm ngập 5ha rau màu (gồm 3ha rau màu ở vùng rau La Hường; 2ha ở vùng rau Gò Soi). 

Lực lượng cứu hộ nhanh chóng di dời người dân vùng lũ đến nơi an toàn. Ảnh: VietNamnet.

Theo VietNamnet, riêng đối với quận Liên Chiểu, khu vực dân cư ở đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nơi được xem là rốn lũ của Đà Nẵng, mênh mông nước, có nơi ngập sâu hơn 1m. Để đảm bảo an toàn, trong đêm, Ban Chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu, bộ đội đặc công Quân khu 5 và cảnh sát cơ động Công an TP Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm.

Được biết, đây là khu vực này tập trung nhiều nhà cấp 4, nhà trọ công nhân, sinh viên, trong đêm lực lượng chức năng mang theo phao cứu hộ đi sâu vào các ngõ, hẻm, thổi còi tín hiệu để người dân biết và hỗ trợ di tản ra bên ngoài.

Ông Bùi Trung Khánh - Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, các lực lượng chức năng đã di dời khoảng 5.000 người dân tại các khu vực thấp trũng như Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái…đến nơi an toàn ngay trong đêm 13/10. Về nơi ở, người dân được bố trí ở tạm tại các khu vực cao để chờ nước rút. Chính quyền sẽ hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho dân.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp tại địa phương, lực lượng chức năng đã chuẩn bị kịch bản cho những tình huống xấu nhất, đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo sơ tán người dân, di dời tài sản khỏi các khu vực ngập nặng. Ảnh: Báo PLVN

Nguồn tin trên báo Pháp luật Việt Nam, cũng tron tối 13/10, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đến kiểm tra các khu vực ngập lụt tại 2 quận Liên Chiểu và Thanh Khê, đồng thời trực tiếp chỉ đạo việc sơ tán dân đến nơi an toàn ngay trong đêm. Tại hiện trường điểm ngập lụt, lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo các lực lượng tập trung, nâng cao cảnh giác, rút kinh nghiệm từ năm 2022, nhanh chóng hỗ trợ người dân tại các điểm ngập và có nguy cơ ngập.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã thị sát tình hình mưa lũ và nhận định tình hình nguy cơ cao ở quận Liên Chiểu và Thanh Khê. Ông Chinh chỉ đạo các địa phương đảm bảo vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân khi sơ tán. Đồng thời các đơn vị phải bố trí trực ban 24/24 để cập nhật thông tin, báo cáo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố để triển khai lực lượng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 14/10 đến đêm 15/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 450mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-450mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Giai đoạn từ ngày 16-17/10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Cơ quan dự báo cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vựcQuảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi: cấp 2; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam: cấp 3; Nam Nghệ An và Hà Tĩnh: cấp 1. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật