Vu Lan báo hiếu công đức trời biển của mẹ cha, nhưng người “mẹ thứ 2” này, đã khiến cuộc đời lũ trẻ một lần nữa trở nên tăm tối.
Những đứa trẻ mồ côi cứ ngỡ rằng cuộc đời đã mỉm cười khi được tựa nương nơi cửa Phật. |
Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan, ngày này những năm về trước chùa Bồ Đề nhộn nhịp những phật tử, tình nguyện viên đến làm lễ, thăm nom những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại đây. Không khí ấm áp, xúc động ngập tràn trong mùi trầm hương lan tỏa, tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ thơ, trong sự sẻ chia nghĩa tình của người dân với những đứa trẻ và trân trọng những người đang dang tay che chở cho những số phận thiệt thòi.
Năm nay, chỉ ít ngày ngay trước lễ Vu Lan báo hiếu, thông tin Nguyễn Thị Thanh Trang, một bảo mẫu trong chùa Bồ Đề bị bắt về tội buôn bán trẻ em với giá 35 triệu đồng khiến dư luận bàng hoàng. Trách nhiệm của sư trụ trì Thích Đàm Lan và những người liên quan cũng đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ. Ngôi chùa vốn nổi tiếng là chốn từ bi, một thiên đường của tình thương nay lại là nơi che giấu những tội ác tày trời.
Từ một lá đơn gia đình tố cáo sự mất tích của cháu Cù Nguyên Công, báo chí và cơ quan điều tra đã liên tiếp tật tẩy việc làm phi pháp của những “ác nhân”. Không chỉ có 1 trường hợp mà có đến 11 đứa trẻ khác cũng bị mất tích một cách rất bí ẩn và đáng ngờ. Phải chăng nơi đây là một tụ điểm buôn bán trẻ em trá hình?
Số phận của cháu Cù Nguyên Công giờ vẫn chưa biết thực hư ra sao? |
Cửa Phật vốn là những nơi tôn kính, nghiêm trang, nơi thể hiện tính nhân văn và đức hạnh mà phật tử bốn phương thành kính hướng về. Về với cửa Phật là tìm đến sự thanh thản, bình yên, thế nhưng hàng trăm trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề đã có một cuộc sống bấp bênh hơn bao giờ hết.
Nếu sự lo lắng của cha mẹ nuôi bé Cù Nguyên Công là thật, rằng cháu không được về với gia đình, không phải đã mất mà đang phải sống khổ sở ở nơi nào đó hoặc bị bán để lấy nội tạng, thì những người như bảo mẫu Thanh Trang quả thật đã mất hết tính người.
Và tương tự như vậy, nếu sự việc không được phát hiện, thì những đứa trẻ đang sống rất vô tư kia không hề biết rằng, rồi một ngày nào đó, có thể chúng cũng bị người ta bán đi, kiếp người một lần nữa rơi vào sự bất hạnh tột cùng. Cuộc đời mỗi đứa trẻ trong suy nghĩ của bảo mẫu Trang chỉ đáng giá vài chục triệu đồng. Cũng là người mẹ với 2 con nhỏ, không biết khi làm việc bất nhân, Trang có thử hình dung nếu có một ngày, ai đó làm việc tương tự với con mình?
Vu lan đã đến trong tiết trời Hà Nội chuẩn bị sang thu. Những cơn giông vẫn theo nhau bất chợt kéo về. Cánh cổng chùa Bồ Đề giờ này càng trở nên lạnh ngắt, không khí trong chùa cũng nhuộm màu hiu hắt, cô quạnh khác hẳn với mọi năm.
Người lớn, rồi sẽ phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình, nhưng đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp. Vu lan, ngày những người con tưởng nhớ và báo hiếu mẹ cha đã có ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng nơi đây, có những đứa trẻ từ khi mới lọt lòng đã không mẹ, không cha; có những đứa con bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, dây rốn còn thấm đẫm những giọt máu đào. Đối với chúng, cha mẹ chính là những bảo mẫu, những người đang cho chúng một mái nhà, những bữa cơm tại chùa Bồ Đề.
Tôi tin rằng, trong mắt bọn trẻ, chỉ những người này là cha, là mẹ. Ngày lễ Vu Lan khi trưởng thành, chúng sẽ tưởng nhớ và báo hiếu chính những người đang chăm sóc chúng hôm nay. Thế nhưng, đau đớn thay, chẳng dưỡng dục mà đó lại là “quỷ dữ đội lốt người”, tình thương đó chỉ để che giấu một âm mưu táng tận lương tâm. Tương lai những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề giờ càng trở nên chông chênh, vô định.
Những đứa trẻ ngây thơ ở chùa Bồ Đề vẫn đang mong chờ một tương lai ấm áp mà không hề biết mình đã từng nằm trong tay "quỷ dữ". |
Dù chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề đã lấy đi không ít niềm tin của dư luận, Vu lan năm nay lại thêm một nỗi buồn. Hy vọng rằng, sự việc sẽ thức tỉnh lương tâm của những người lầm lỗi, cũng là hồi chuông cảnh báo những người đã, đang và sẽ làm mẹ , làm cha, hãy quan tâm chăm sóc con em mình, sinh con ra đừng để những đứa trẻ vô tội thiếu vắng tình thương và rơi vào vòng tay kẻ ác.
Xin tạm kết bài viết bằng một vài câu thơ, xót thương cho những đứa trẻ không còn cha mẹ. Nguyện cầu các em vượt qua giông tố cuộc đời, được sống dưới mái nhà của tình thương yêu.
Vu lan về con thảng thốt giật mình
Nhói tim đau cài đóa hoa hồng trắng
Có nghĩa là từ đây thiếu vắng
Bóng mẹ hiền và cả dáng hình cha
Mỗi mùa Vu Lan về là thêm một nỗi xót xa
Khi nhận ra không còn mẹ cha bên cạnh
Đoạn đường đời mình trẻ thơ hiu quạnh
Bước hướng nào cũng lạc lõng chông chênh...