Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB), lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần đạt 9.188 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Dù vậy, việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh gấp 3,4 lần, lên mức 1.646 tỷ đồng, phần nào khiến lãi trước thuế của nhà băng này chỉ tăng nhẹ 1%, đạt mức 5.830 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt 267.005 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 149.145 tỷ đồng.
Phân tích dư nợ cho vay theo ngành kinh tế cho thấy, tính đến cuối năm 2023, MSB đang cho vay hơn 13.163 tỷ đồng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng, chiếm 8,83% tổng dư nợ.
Hạng mục tài sản có khác của của MSB ghi nhận mức 15.251 tỷ đồng, trong đó các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) đạt 5.065 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 1,8 lần so với đầu năm.
Ảnh minh họa.
Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận. Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Về chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của MSB là 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất với 222% lên 1.441 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng lần lượt 67% và 79%. Do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87% vào cuối năm 2023.
Liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, vừa qua, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - MSB vừa có thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Theo đó, thời gian tổ chức đại hội sẽ được lùi từ ngày 10/4 sang ngày 23/4, lý do được ngân hàng cho biết là để hoàn thiện công tác chuẩn bị đại hội.
Theo báo cáo quản trị năm 2023, Ủy ban Quản lý Rủi ro của MSB đã tổ chức 13 phiên họp trực tuyến, thông qua 5 đề xuất, xem xét các đề xuất trình để tham mưu, khuyến nghị cho HĐQT, Tổng giám đốc thông qua 12 báo cáo danh mục rủi ro định kỳ, 3 báo cáo theo dõi tuân thủ, thảo luận 9 chuyên đề/báo cáo về quản lý rủi ro, tham mưu và khuyến nghị cho HĐQT 15 đề xuất, xem xét và khuyến nghị đối với Tổng giám đốc 6 đề xuất, đưa ra 11 chỉ đạo hành động liên quan đến lĩnh vực quản lý rủi ro.
Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao về trường hợp của khách hàng N.T.L. Theo đó, bà N.T.L bắt đầu gửi tiền vào ngân hàng MSB từ tháng 3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58,65 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng. Tương tự, chị V.T.K.O (Hà Nội) cũng phản ánh tài khoản 27,7 tỷ đồng gửi tại MSB bỗng "bốc hơi", chỉ còn 46.328 đồng.
Đáng chú ý, theo Giấy Xác nhận thông tin/số dư tài khoản tại MSB do bà N.T.L cung cấp, từ ngày 26/9/2023 đến ngày 5/10/2023, bà N.T.L có tổng cộng 12 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản, với số dư lên đến 58,65 tỷ đồng. Theo văn bản này, các giao dịch gửi tiền vào tài khoản của bà N.T.L đều có thời hạn gửi 4 tuần, lãi suất được 'hào phóng' chi trả là 6%/năm.
Con số này vượt xa so với mức lãi suất khoảng 3,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được Ngân hàng MSB niêm yết vào tháng 10/2023 - thời điểm MSB Thanh Xuân cấp Giấy Xác nhận cho khách hàng. Mức lãi suất 6%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 4 tuần được áp dụng thực tế vượt xa so với mức lãi suất trần 4,75%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).