Đóng

Một ứng dụng AI công bố tính năng mới giúp thí sinh ước tính khả năng trúng tuyển đại học

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Nhằm hỗ trợ học sinh đưa ra quyết định trong việc chọn trường và ngành học, ứng dụng AI Hay vừa ra mắt tính năng dự đoán cơ hội đỗ đại học.

Ứng dụng AI giúp thí sinh chọn nguyện vọng

Ứng dụng AI Hay vừa công bố tính năng mới giúp thí sinh thi THPT Quốc gia ước tính khả năng trúng tuyển vào các trường đại học dựa trên điểm thi và nguyện vọng của mình.

Với kỳ thi THPT Quốc gia 2025 đã kết thúc, hàng triệu thí sinh đang trong giai đoạn căng thẳng chờ đợi kết quả và chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học. Nhằm hỗ trợ học sinh đưa ra quyết định trong việc chọn trường và ngành học, ứng dụng AI Hay vừa ra mắt tính năng dự đoán cơ hội đỗ đại học.

Tính năng này cho phép thí sinh nhập điểm thi theo hai cách: điểm tự chấm dựa trên đáp án chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc điểm chính thức sau khi Bộ công bố kết quả. Sau đó, học sinh cần điền thông tin về trường đại học và ngành học mong muốn.

Dựa trên dữ liệu đầu vào này, AI Hay sẽ phân tích và so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn, bao gồm điểm chuẩn các năm trước, điểm chuẩn tham khảo của các trường, tỷ lệ chọi theo từng ngành học, và nhiều yếu tố khác để đưa ra dự đoán về tỷ lệ trúng tuyển của thí sinh.

Ứng dụng AI Hay có tính năng mới giúp thí sinh thi THPT Quốc gia ước tính khả năng trúng tuyển. 

"Hệ thống sẽ tính toán và đánh giá trực quan khả năng trúng tuyển, giúp các em có cái nhìn thực tế về cơ hội của mình", đại diện AI Hay cho biết. "Điều này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn các em phải đưa ra quyết định về nguyện vọng xét tuyển". 

Tuy nhiên, AI Hay cũng đưa khuyến cáo rằng kết quả dự đoán chỉ mang tính chất tham khảo, thí sinh vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố khác như sở thích cá nhân, định hướng nghề nghiệp và điều kiện gia đình khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trước đó, Học viện Hàng không Việt Nam cũng sử dụng hệ thống trợ lý ảo Chatbot AI-VAA-BOT để hỗ trợ thí sinh tiếp cận thông tin xét tuyển đại học.

Chatbot AI VAA-BOT hoạt động liên tục 24/7 trên nền tảng website chính thức của học viện. Thí sinh có thể đặt các câu hỏi như: “Ngành kỹ thuật hàng không cần bao nhiêu điểm?”, “Em có nên xét học bạ hay thi tốt nghiệp THPT để vào ngành quản lý hoạt động bay?”, “Học phí ngành logistics là bao nhiêu một năm?”…

Toàn bộ thông tin về ngành học, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, học phí, học bổng, ký túc xá đều được hệ thống cập nhật thường xuyên và phản hồi tức thì cho người hỏi.

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam.

Điểm nổi bật khác là Chatbot có thể hỗ trợ tính điểm xét tuyển dựa trên kết quả học bạ hoặc điểm thi THPT. Từ đó, hệ thống sẽ gợi ý những ngành học phù hợp với mức điểm của từng thí sinh, giúp các em đưa ra lựa chọn nguyện vọng có cơ hội trúng tuyển cao.

Cùng với đó, nhiều trường như: Đại học Kinh tế TPHCM, Trường đại học Công Thương TPHCM, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường đại học Công nghiệp TPHCM… cũng đã ứng dụng AI vào phục vụ tuyển sinh.

Không nên đăng ký nguyện vọng "theo phong trào"

Theo Tạo chí Tri thức, Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục, nhận định năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới. Do đó, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học sẽ thiết lập một mặt bằng mới và rất khó dự đoán, bởi có rất nhiều yếu tố chi phối.

Thí sinh có thể chia các nguyện vọng thành 3 nhóm. Nhóm nguyện vọng thứ nhất là những ngành, trường mình yêu thích, nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ hai là ngành, trường mình yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ ba là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi của mình.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công Thương TP.HCM, cho hay năm nay, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Hệ thống phần mềm chỉ xét trúng tuyển từ nguyện vọng 1 đến khi trúng tuyển thì dừng, không xét tiếp các nguyện vọng sau, dù điểm cao hơn.

Có thể đăng ký vào cùng một ngành nhưng theo các phương thức khác nhau, ví dụ như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực.

Ảnh minh họa

Ông Sơn cũng lưu ý thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng "theo phong trào"hoặc chỉ vì "trường đó nổi tiếng", nếu bạn không thực sự quan tâm đến ngành.

Các em cần tìm hiểu kỹ học phí, vị trí địa lý, chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm của từng ngành học/trường trước khi đăng ký; xem lại điểm chuẩn các năm trước (3-5 năm gần nhất) để ước lượng khả năng trúng tuyển; Tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sớm (nếu có thể) như học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực... Và không nên chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng, vì rủi ro không đậu là rất cao.

Tin nổi bật