Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Một thương vụ ít biết của Jonathan Hạnh Nguyễn và Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ

(DS&PL) -

Chỉ sau 5 tháng thành lập, Công ty Yên Khánh của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ đã chuyển nhượng 25% cổ phần cho Công ty Liên Thái Bình Dương của Jonathan Hạnh Nguyễn.

“Cổ đông sáng lập không được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập” - thế nhưng, chỉ sau 5 tháng thành lập, Công ty Yên Khánh của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ đã chuyển nhượng 25% cổ phần cho Công ty Liên Thái Bình Dương của Jonathan Hạnh Nguyễn.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch mỗi năm. Trước đây, nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm. Trong khi, theo thống kê năm 2014, cảng hàng không này đón hơn 2,1 triệu khách. Đồng nghĩa, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã phải hoạt động quá công suất.

Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa theo hình thức BOT, đáp ứng nhu cầu khai thác nhà ga hành khách quốc tế đến năm 2025.

Năm 2015, đã có rất nhiều nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia đầu tư dự án xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh.

Có thể kể đến như, trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là các nhà đầu tư: VietJet, Công ty cổ phần Logistic Hàng không (ALS), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Lĩnh vực bất động sản là Phú Long, Golf Long Thành; dịch vụ là Liên Thái Bình Dương của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn; xây dựng có: Tập đoàn Đức Bình; Công ty Yên Khánh, Việt Xuân Mới, Đại Dũng…

Khởi công dự án Nhà ga Hành khách quốc tế - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Báo Giao thông

Theo phương án đầu tư, ACV sẽ huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư nhà ga này có thể theo hình thức BOT, hoặc thành lập công ty cổ phần. Nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp trong nhà ga một cách công bằng, bình đẳng, nhà đầu tư, cổ đông là hãng hàng không sẽ không được nắm giữ quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập (tối thiểu 3 cổ đông, bao gồm cả ACV) không được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập.

Đến tháng 2/2016, Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh chính thức ra đời có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, với sự góp mặt của 6 cổ đông.

Trong đó, ACV nắm 10% tương đương 60 tỷ đồng; Công ty Liên Thái Bình Dương 30%; Việt Xuân Mới và Vietjet mỗi đơn vị nắm 10%; Nasco góp 15% và Công ty Yên Khánh nắm 25%.

Như vậy các cổ đông sáng lập đều không nắm trên 30% cổ phần theo phương án đã được đề ra từ đầu.

Thế nhưng, chỉ 5 tháng sau (tháng 7/2016) Công ty Yên Khánh của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ đã chuyển nhượng 25% cổ phần cho Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Đây là việc làm trái với phướng án ban đầu đề ra (thời hạn chuyển nhượng 5 năm).

Công ty Yên Khánh được thành lập từ năm 2005, từng đăng ký vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và tham gia nhiều dự án BOT của ngành giao thông.

Tuy nhiên, theo Cơ quan điều tra xác định, Công ty Yên Khánh không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực...

Vậy, vì sao Yên Khánh có thể nắm 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh? Để rồi, chỉ 5 tháng sau khi thành lập, thậm chí dự án chưa khởi công, công ty của Út “trọc” lại chuyển nhượng cổ phần, giúp Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Hạnh Nguyễn nắm 55% cổ phần (tỷ lệ chi phối Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh)?

Trở lại dự án xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh, dự án này có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng và được Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tài trợ vốn.

Tuy nhiên, trong quá trình từ lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án đều xảy ra sai phạm.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, dự án nhà ga Cam Ranh thuộc kết cấu hạ tầng hàng không nên phải thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo Luật đấu thầu và các nghị định liên quan.

Nhưng dự án này áp dụng theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế trong Luật đầu tư là chưa phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.

Về chủ trương đầu tư, Luật đầu tư 2014 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cảng hàng không của Quốc hội, Thủ tướng và UBND các tỉnh, không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các Bộ quản lý ngành.

Tuy nhiên, Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ GTVT lại tham mưu cho Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Theo Bộ GTVT, Cam Ranh, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội là bốn khu vực mà hoạt động khai thác cảng hàng không có lãi để bù lỗ cho đại đa số các cảng hàng không ở các tỉnh, khu vực khác. Do đó việc cho phép các nhà đầu tư khai thác tại Đà Nẵng, Cam Ranh sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đặc biệt giảm khả năng bù lỗ cho các cảng hàng không khác.

Về lựa chọn nhà đầu tư, dự án có sử dụng đất nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo hình thức đấu thầu là chưa phù hợp với thông tư số 03/2009/TT-BKH của Bộ Kế hoạch - đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.

Do các dự án đầu tư không theo hình thức hợp đồng PPP nên các nhà đầu tư phê duyệt dự án đầu tư là không đúng thẩm quyền.

Thanh tra Bộ GTVT cũng cho biết, dự án đã được lập, phê duyệt và đã triển khai thi công khi chưa có hợp đồng thuê đất nên tại thời điểm lập và phê duyệt dự án đầu tư, tính pháp lý đối với tài sản đất đai được xác định để đầu tư dự án là chưa được xác lập rõ ràng. Trách nhiệm này thuộc Vụ Quản lý doanh nghiệp và Cục Hàng không Việt Nam, ACV.

Doanh nghiệp của Út “trọc” trục lợi từ các gói thầu của ACV

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku được giao cho Liên danh Cienco 4 và Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là 606,429 tỷ đồng.

Sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P của Đinh Ngọc Hệ để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Nhận được gói thầu này, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam; Thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt, Gia Lai thực hiện thi công.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành, trong đó, nhà thầu chính thanh toán khối lượng được nghiệm thu cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền 13,745 tỷ đồng, có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công; đồng thời, không hoạch toán đủ số doanh thu 120 tỷ đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3,436 tỷ đồng.

Tương tự, tại gói thầu BP04 Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trị giá hơn 488 tỷ đồng do Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh ký Hợp đồng số 02/2017-TTHĐ-CRTC ngày 03/4/2017 với Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P - Cienco 1.

Thuỷ Tiên

Tin nổi bật