Sau loạt bài phản ánh của phóng viên báo Đời sống & Pháp luật về việc bị xúc phạm trong buổi làm việc về công tác PCCC, Công ty cổ phần Vinaconex 1 (Công ty Vinaconex 1) đã có công văn trả lời, tuy nhiên nội dung chỉ cho thấy sự biện minh, vòng vo và bao che cho cấp dưới.
Như đã thông tin, sáng 4/10, khi phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật đến tác nghiệp (có đầy đủ giấy tờ), tìm hiểu thông tin về thực trạng công tác PCCC của chung cư Vinaconex 1 do Công ty Cổ phần xây dựng số 1 (Vinaconex 1) làm chủ đầu tư theo đơn thư phản ánh thì bị ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Ban quản lý Công ty Vinaconex 1 cản trở, không hợp tác với phóng viên. Thậm chí, vị này còn dùng lời nói vô văn hóa để xúc phạm, đe dọa phóng viên.
Trước thái độ làm việc kiểu "chợ búa" thiếu chuẩn mực của nhân viên công ty Vinaconex 1, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo công ty này để làm rõ những thông tin xoay quanh sự việc trên. Tuy nhiên, nhiều lần phóng viên tới liên hệ làm việc theo lịch hẹn thì phía công ty lại liên tục né tránh với những lý do được cán bộ phòng Tổ chức Công ty Vinaconex 1 đưa ra như "lãnh đạo từ nước ngoài về muộn" hay "có việc đột xuất".
Thế nhưng bất ngờ ngày 14/10, Công ty Vinaconex 1 đã có công văn số 2562 (đề ngày 11/10/2019) do ông Nguyễn Xuân Thọ, Phó TGĐ ký gửi đến Báo Người Đưa Tin, Báo Đời sống & Pháp luật với nội dung thể hiện sự biện minh, vòng vo và bao che cho cấp dưới. Đáng ngạc nhiên hơn, chính ngày 11/10 (ngày Phó TGĐ Công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ ký công văn), phóng viên của báo đã có mặt yêu cầu phía công ty làm việc thì nhận được phản hồi... lãnh đạo công ty “bận đột xuất”.
Công văn 2562 Vinaconex 1 gửi báo Đời sống & Pháp Luật, báo điện tử Người Đưa Tin. |
Để hình dung được những chuyện như đùa trong cách hành xử của Công ty Vinaconex 1, Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Người Đưa Tin xin trích đăng nguyên văn công văn số 2562 ngày 11/10/2019 của lãnh đạo công ty này:
“Tháng 10/2019, Vinaconex 1 nhận được Giấy giới thiệu của một số cơ quan báo chí đề nghị về các vấn đề liên quan đến hệ thống PCCC tại toà nhà Vinaconex 1 (289A-Khuất Duy Tiến, Hà Nội). Đây là dự án do Vinaconex 1 làm chủ đầu tư đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, bàn giao hiện trạng các toà nhà (gồm A1+A2, B, C2, D+E phạm vi từ mặt đất lên đến mái) cho Ban quản trị toà nhà (do cư dân bầu theo quy định) quản lý vận hành bao gồm cả công tác PCCC.
Riêng toà C1 (thuộc quỹ đất 20%) Vinaconex1 được được giao thực hiện để bàn giao cho TP. Hà Nội làm quỹ nhà phục vụ cho công tác tái định cư; hiện tầng 1,2,3 của toà C1 đang được sử dụng làm văn phòng tạm của Vinaconex1 để phục vụ cho công tác thi công hoàn thiện toà nhà và sẽ được bàn giao khi hoàn tất công tác thi công.
Hiện tại, Ban quản lý Dịch vụ nhà Vinaconex 1 chỉ quản lý dịch vụ trông giữ xe tại 2 tầng hầm (thuộc sở hữu của công ty). Trong quá trình quản lý dịch vụ có nhiều người tới giới thiệu là phóng viên, nhà báo, tự ý quay phim chụp ảnh thậm chí quay lén yêu cầu Ban quản lý Vinaconex1 phản hồi về công tác PCCC, do đó Ban quản lý dịch vụ nhà Vinaconex1 từ chối trả lời những vấn đề không thuộc chức năng và phạm vi quản lý.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Ban quản lý dịch vụ nhà Vinaconex1, ngày 4/10, ông Dũng nhận được đề nghị làm việc của ông Đỗ Tuấn Linh sinh ngày 27/12/1998, giới thiệu là phóng viên của báo Đời sống & Pháp luật; trong Giấy giới thiệu không ghi chức danh của phóng viên, ông Dũng đã từ chối làm việc.
Tuy nhiên ông Linh vẫn yêu cầu ông Dũng làm việc, cung cấp thông tin dẫn đến một số ửng xử không phù hợp. Ngay sau đó trên trang Nguoiduatin.vn và báo giấy Đời sống & Pháp luật đã đăng tải 4 bài viết liên quan đến sự vụ (trong đó 3 bài phản ánh về cá nhân ông Dũng).
Tiếp đến ngày 9/10, văn phòng Vinaconex 1 tiếp tục nhận được giấy giới thiệu số 0934/GGT/ĐSPL của báo Đời sống & Pháp, giới thiệu ông Đỗ Tuấn Linh và Nguyễn Ngọc Lâm với chức danh phóng viên đến làm việc về thái độ của ông Dũng, cho rằng “cản trở phóng viên tác nghiệp”. Vinaconex 1 luôn tôn trọng nhà báo, phóng viên và tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp đúng luật. Ngoài ra, Vinaconex 1 đã yêu cầu ông Dũng tường trình lại sự việc để xử lý thấu đáo, theo quy chế công tý và đúng quy định pháp luật.
Vinaconex 1 rất mong quý báo thông cảm thấu hiểu để công ty dành thời gian cho cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng với tác phong hách dịch và dùng lời lẽ xúc phạm khi làm việc với phóng viên. |
Chuyện như đùa thứ nhất là công văn này viện dẫn lý giải của ông Nguyễn Quốc Dũng để “đổ lỗi” nguyên nhân xuất phát từ phía phóng viên khi trình giấy giới thiệu không nêu rõ chức danh phóng viên.
Cụ thể, công văn 2562 nêu: “Theo báo cáo của ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Ban quản lý dịch vụ nhà Vinaconex 1, ngày 4/10, ông Dũng nhận được đề nghị làm việc của ông Đỗ Tuấn Linh sinh ngày 27/12/1998, giới thiệu là phóng viên của báo Đời sống & Pháp luật; trong Giấy giới thiệu không ghi chức danh của phóng viên, ông Dũng đã từ chối làm việc. Tuy nhiên ông Linh vẫn yêu cầu ông Dũng làm việc, cung cấp thông tin dẫn đến một số ửng xử không phù hợp”.
Trong khi đó, sự thật là phóng viên Đỗ Tuấn Linh đã được Ban biên tập Báo Đời sống & Pháp luật cử đến liên hệ làm việc với Công ty Vinaconex 1 theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể hơn, giấy giới thiệu của Báo Đời sống & Pháp luật (số 0918) cử phóng viên Linh đến làm việc với công ty cũng ghi rõ ràng họ tên, chức vụ và nội dung làm việc... Ngay cả khi được ông Dũng yêu cầu giấy tờ tuỳ thân, phóng viên Linh cũng rất hợp tác cung cấp đầy đủ.
Tuy nhiên, thay vì tiếp xúc làm việc với phía Báo để có thông tin 2 chiều, thì lãnh đạo Công ty Vinaconex 1 lại chỉ dựa trên nội dung báo cáo sai sự thật của cấp dưới là ông Nguyễn Quốc Dũng để biện minh cho những phát ngôn, hành động bôi nhọ, xúc phạm danh dự phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật. Cho đến thời điểm khi bài báo này lên trang, Báo Đời sống & Pháp luật vẫn chưa hề có được buổi làm việc chính thức nào với lãnh đạo Công ty Vinaconex 1.
Là một doanh nghiệp lớn, có uy tín, sự vòng vo, bao biện cho những hành động, lời nói thô tục từ một vị Phó trưởng Ban của Công ty Vinaconex 1 như trên quả là chuyện... khó tin. Cũng cần nói thêm là, mặc dù đã biết Báo Đời sống & Pháp luật và báo Người Đưa Tin đã có 4 bài viết liên quan đến sự vụ, nhưng phía Công ty Vinaconex 1 vẫn chỉ coi hành vi của nhân viên mình là... “một số ứng xử không phù hợp”.
Chuyện như đùa thứ hai là lãnh đạo Công ty Vinaconex 1 đã biện minh cho hành động, lời nói của cấp dưới khi viện cớ: “Trong quá trình quản lý dịch vụ có nhiều người tới giới thiệu là phóng viên, nhà báo, tự ý quay phim chụp ảnh thậm chí quay lén yêu cầu Ban quản lý Vinaconex 1 phản hồi về công tác PCCC, do đó Ban quản lý dịch vụ nhà Vinaconex 1 từ chối trả lời những vấn đề không thuộc chức năng và phạm vi quản lý”.
Nội dung này vô hình trung Vinaconex 1 lấy lý do có người tự giới thiệu là phóng viên đến “làm phiền” để biện minh cho lý do nhân viên của mình có lời nói thô tục và đó cũng chính là cái cớ để đơn vị này từ chối trả lời báo chí. Trong khi thực tế phóng viên của Báo Đời sống & Pháp luật đến liên hệ với đại diện Công ty Vinaconex 1 có đầy đủ giấy tờ pháp lý, chứ không phải tự “giới thiệu” như nội dung nêu ra trong công văn của công ty này. Thậm chí, việc có “nhiều người giới thiệu là phóng viên” nêu trong công văn cũng không liên quan đến việc phóng viên của Báo Đời sống & Pháp luật đến liên hệ làm việc với công ty một cách chính tắc.
Nội dung trên của công văn đã cố tình hướng sự việc được hiểu theo nguyên cớ khách quan để coi hành động, lời nói của vị Phó trưởng Ban quản lý dự án của Công ty Vinaconex 1 có thể chấp nhận được. Đây được ví như kiểu “đánh lạc hướng” một cách tinh vi, biến việc làm sai trái của nhân viên mình thành một chuyện thường tình do yếu tố khách quan gây nên mà không ai có lỗi???
Sự bao biện và bao che cho cấp dưới của Vinaconex 1 còn tiếp tục được thế hiện ở câu chuyện thứ ba, khi công văn này cho rằng: “Vinaconex 1 luôn tôn trọng nhà báo, phóng viên và tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp đúng luật...”. Nhưng kỳ thực, sự tôn trọng và tạo điều kiện tác nghiệp nêu trong công văn đã không được thực hiện.
Cụ thể, cho đến thời điểm hiện tại, phía Công ty Vinaconex 1 vẫn chưa có buổi làm việc chính thức với Báo Đời sống & Pháp luật về sự việc, mặc dù phía Báo đã nhiều lần liên hệ trực tiếp. Đáng nói, công ty này cho rằng luôn tôn trọng phóng viên và tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp đúng luật nhưng việc phóng viên bị xúc phạm, Vinaconex 1 lại không hề đề cập đến. Phải chăng, cách mà Phó Ban quản lý xúc phạm phóng viên là sự tôn trọng mà Vinaconex 1 nói đến?
Ngoài ra, trong nội dung trên, Vinaconex 1 mong muốn thấu hiểu, thông cảm nhưng tuyệt nhiên không nhận lỗi vi phạm. Không có lỗi tại sao phải mong được thông cảm là một câu chuyện như đùa trong công văn trả lời này.
Thực tế trong sự việc này chỉ có một sự thật duy nhất, đó là phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật đến liên hệ làm việc với đại diện Công ty Vinaconex 1 với đầy đủ giấy tờ pháp lý xong đã bị một lãnh đạo cấp Ban của công ty này có những lời nói, hành động thô tục, lăng mạ, xúc phạm. Nhưng thay vì nhìn thẳng vào sự thật, phía Công ty Vinaconex 1 lại đưa ra cách hành xử giống như sự thoái thác trách nhiệm, không xứng tầm một doanh nghiệp lớn.
Tại khoản 12, Điều 9, Luật báo chí 2016 quy định: Nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Nghị định 159 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.
Trong Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:
Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Theo Người Đưa Tin