Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Cả 2 văn bản sẽ có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Pháp luật quy định giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. Các quy định, tiêu chuẩn về giáo viên mầm non cũng được đề cao. Tại Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT quy định rõ định mức số lượng giáo viên mầm non như sau:
Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ em từ 3 -12 tháng tuổi, 20 trẻ em/nhóm trẻ em từ 13 - 24 tháng tuổi, 25 trẻ em/nhóm trẻ em từ 25 - 36 tháng tuổi thì được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;
Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 - 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 - 5 tuổi, 35 trẻ em/lớp từ 5 - 6 tuổi thì được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp…
Các cơ sở giáo dục mầm non cần phải đảm bảo định mức số lượng giáo viên. Ảnh minh họa.
Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định trên hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau: Cứ 6 trẻ từ 3-12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13-24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25-36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3-4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4-5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5-6 tuổi thì được bố trí thêm 1 giáo viên;
Đối với nhóm trẻ ghép, lớp mẫu giáo ghép theo Điều lệ trường mầm non thì được bố trí định mức giáo viên theo quy định.
Với điểm trường chỉ có 1 nhóm trẻ hoặc 1 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định thì được bố trí 2 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
Theo quy định tại Điều 3, 4, 5 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì có 3 phân hạng chức danh nghề nghiệp mầm non:
Bên cạnh đó, Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT cũng quy định về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Với cơ sở giáo dục mầm non có dưới 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 1 người; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 2 người. Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tính giảm 5 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không có quá 2 trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.
Ngoài ra tại Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT quy định định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn) tại Điều 7 như sau:
1. Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ. Căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
2. Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.
3. Việc ký kết hợp đồng lao động thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bảo An