Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Một năm xung đột Nga-Ukraine: Khả năng phục hồi và nỗi lo tiềm ẩn của nền kinh tế Nga

(DS&PL) -

Một năm qua, xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm căng thẳng leo thang giữa các cường quốc, quá trình toàn cầu hóa lại bị ảnh hưởng, gây hệ lụy lâu dài với nền kinh tế thế giới.

Ngày 24/2/2022, Nga chính thức mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Một năm qua, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến nguồn cung năng lượng và lương thực toàn cầu, nguồn cung thiếu hụt khiến giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, đẩy lạm phát toàn cầu gia tăng. Đồng thời, tiếng pháo của xung đột cũng đe dọa đến sự an toàn của năng lượng hạt nhân khi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nhiều lần bị bắn phá.

Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm căng thẳng leo thang giữa các cường quốc, quá trình toàn cầu hóa lại bị ảnh hưởng, gây hệ lụy lâu dài với nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế đang gặp khó khăn

Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow ngày 28/2/2022, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ thông báo người Mỹ bị cấm thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga và Bộ Tài chính Nga. Điều này có nghĩa là tất cả tài sản của ngân hàng trung ương Nga tại Mỹ hoặc tài sản do người Mỹ kiểm soát sẽ bị đóng băng. Ảnh: The Paper

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga: Đóng băng tài sản khổng lồ của ngân hàng trung ương Nga, thu hồi một số lượng lớn các công ty phương Tây, trục xuất các nhà ngoại giao Nga,... Trong một thời gian, nền kinh tế Nga bị mắc kẹt trên nhiều phương diện, quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống vực thẳm, quan hệ hợp tác giữa Nga và EU lâm vào tình trạng đổ vỡ.

Starbucks, một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới có trụ sở chính ở Seattle, Washington, Mỹ, bắt đầu hoạt động tại thị trường Nga từ năm 2007. Tháng 3/2022, Starbucks tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động thương mại tại Nga do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Vào ngày 18/8 cùng năm, Starbucks phiên bản người Nga được đổi tên thành Stars Coffee và các cửa hàng ở Moscow được mở cửa trở lại.

Ngày 10/3/2022, tại Moscow, Nga, các cửa hàng Starbucks đều bắt đầu đóng cửa. Ảnh: The Paper

Ngày 18/8/2022, tại Moscow, Nga, một quán cà phê Starbucks đã được mở cửa trở lại và đổi tên thành Stars Coffee. Ảnh: The Paper

Ngày 16/5/2022, chuỗi nhà hàng McDonald's của Mỹ cũng thông báo quyết định rút khỏi thị trường Nga. McDonald's cho biết trong một tuyên bố rằng công ty "đang tìm cách bán tất cả các nhà hàng của mình ở Nga cho người mua địa phương", đồng thời cho biết công ty sẽ tiếp tục giữ lại nhãn hiệu ở Nga nhưng các cửa hàng hiện tại sẽ không còn sử dụng tên, logo và thực đơn của McDonald's nữa.

Công ty Nga tiếp quản nhà hàng McDonald's ở Nga đã chính thức tuyên bố mở cửa trở lại vào ngày 12/6 cùng ngăm, đổi tên thương hiệu thành "Vkusno i tochka", có nghĩa là "ngon quá".

Ngày 9/6/2022, tại Novosibirsk, Nga, một nhà hàng McDonald's trên phố Krasny đang gỡ biển hiệu. Ảnh: The Paper

Ngày 9/3/2022, công ty Coca-Cola thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Ngay sau đó, gã khổng lồ thực phẩm và đồ uống khác là Pepsi cũng thu hẹp quy mô hoạt động tại nước này. Pepsi cho biết họ sẽ ngừng bán Pepsi-Cola và các nhãn hiệu đồ uống khác ở Nga nhưng vẫn tiếp tục bán các nhu yếu phẩm như sữa bột trẻ em.

Bên ngoài của nhà máy Coca-Cola ở Moscow, Nga, ngày 9/3/2022. Ảnh: The Paper

Một nhà sản xuất nước giải khát của Nga đã tung ra dòng nước giải khát "tương tự" để thay thế sau khi Coca-Cola của Mỹ tuyên bố tạm dừng hoạt động tại Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo đó, nhà sản xuất nước giải khát Nga Ochakovo công bố ra mắt ba loại nước giải khát có tên CoolCola, Fancy và Street để thay thế Coca-Cola, Fanta và Sprite của Coca-Cola.

Nước giải khát đóng chai CoolCola, Fancy và Street do nhà sản xuất nước giải khát Ochakovo của Nga tung ra sẽ được bày bán trên các kệ siêu thị để lần lượt thay thế Coca-Cola, Fanta và Sprite. Ảnh: The Paper

Ngày 15/6/2022, công ty nội thất Thụy Điển IKEA thông báo sẽ cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga và Belarus. IKEA cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ bán 4 nhà máy ở Nga, cắt giảm việc làm và giải phóng hàng tồn kho. Ngoài ra, IKEA sẽ tiếp tục ngừng xuất nhập khẩu sản phẩm sang Nga và Belarus, đồng thời đóng cửa vĩnh viễn 2 văn phòng thương mại và hậu cần được thành lập tại Moscow và Minsk.

Ngày 2/8/2022 theo giờ địa phương, Moscow, Nga, một người tiêu dùng nhận hàng trong đợt thanh lý giảm giá của một cửa hàng IKEA. Ảnh: The Paper

Trong bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu diễn ra vào ngày 15/2/2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng EU có kế hoạch áp đặt gói trừng phạt kinh tế thứ 10 đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm thương mại đối với xuất khẩu công nghệ trị giá 11 tỷ Euro. Bà Von der Leyen cho biết, đợt trừng phạt này cũng là lần đầu tiên EU đưa nước thứ 3 liên quan vào danh sách trừng phạt, cụ thể là với các thực thể Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Gói trừng phạt này cũng bao gồm các biện pháp như loại trừ 4 ngân hàng tư nhân của Nga khỏi SWIFT và thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cao su và nhựa đường sang Nga.

Ngày 15/2/2023, tại Strasbourg miền đông nước Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu cho biết EU dự kiến ​​áp đặt gói trừng phạt kinh tế lần thứ 10 đối với Nga. Ảnh: The Paper

Khả năng phục hồi kinh tế

Phương Tây đã áp đặt nhiều gói trừng phạt đối với Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và hậu quả là nền kinh tế Nga đã phải gánh chịu hậu quả. Sau khi Nga đưa ra một loạt biện pháp đối phó, nền kinh tế Nga đã thể hiện khả năng phục hồi tốt. Các nhà phân tích chỉ ra rằng tình hình kinh tế hiện tại ở Nga tốt hơn dự kiến, cho thấy Moscow có khả năng chống lại những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, việc các nước phương Tây áp đặt lệnh phong tỏa đối với Nga trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư và nhập khẩu sản phẩm công nghệ có thể gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế dài hạn của Nga.

Tháng 5 năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng EU đã đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, lệnh cấm vận này "sẽ ngay lập tức bao trùm 2/3 lượng dầu nhập khẩu của EU từ Nga".

Ông Michelle cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý loại ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) và đưa vào "danh sách đen" ba cơ quan truyền thông nhà nước của Nga.

Tuy nhiên, Áo đã từ chối áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga. Bộ trưởng Kinh tế và Kỹ thuật số Áo Margrethe Schlumberke chỉ ra rằng lệnh cấm vận khí đốt gây hại nhiều hơn lợi và cả Áo và Đức đều không làm được.

Bên ngoài một chi nhánh ngân hàng Sberbank ở Nga. Ảnh: The Paper

Tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã phát hành và đưa vào lưu thông tờ 100 Rúp mới cho năm 2022. Tờ tiền 100 Rúp mới bao gồm một lớp màng bảo vệ được gia cố và có các hình ảnh chính là Tháp Spasskaya của Điện Kremlin ở mặt trước và Đài tưởng niệm Rzhev ở mặt sau.

Ngày 6/7/2022, tại Moscow, Nga, quang cảnh bên trong nhà máy in Goznak. Ngân hàng Trung ương Nga đã phát hành tờ tiền mới mệnh giá 100 Rúp. Ảnh: The Paper

Ngày 13/1/2023, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo nối lại các giao dịch ngoại hối. Thông báo trên trang chủ của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, để giảm thiểu biến động tỷ giá hối đoái, ngân hàng trung ương Nga sẽ mua hoặc bán ngoại hối "đồng đều" vào mọi ngày giao dịch của tháng.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp phong phú của Nga cũng trở thành "vũ khí sắc bén" để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, mặc dù các hạn chế về năng lượng của phương Tây đối với Nga "ngày càng trở nên nghiêm trọng" nhưng việc tăng giá năng lượng có lợi cho Nga và việc tăng doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga đã tích lũy ngoại hối để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Nga đang tích cực khám phá các thị trường ngoài phương Tây, điều chỉnh hướng xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên, than đá và các nguồn năng lượng khác sang châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latinh và các khu vực khác.

Ngày 17/01/2023, tại Moscow, Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp về các vấn đề kinh tế thông qua hội nghị trực tuyến tại phủ tổng thống. Ảnh: The Paper

Tổng thống Nga Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà phương Tây áp đặt lên Nga là nhằm "hủy hoại nền kinh tế Nga trong thời gian ngắn, cướp đi nguồn dự trữ ngoại hối của Nga, gây ra sự sụp đổ của đồng Rúp Nga và siêu lạm phát". Tuy nhiên, thực tế là với nỗ lực chung của chính phủ Nga, các tổ chức tài chính và nhiều địa phương, tình hình kinh tế Nga đã được khôi phục trở lại ổn định.

Doanh thu năng lượng không giảm mà tăng

Với việc phương Tây ngày càng thắt chặt xuất khẩu dầu khí của Nga, ngành năng lượng Nga sẽ phải đối mặt với một môi trường bên ngoài phức tạp và khắc nghiệt. Bên cạnh việc liên tiếp giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga trong 6 tháng qua, Phương Tây cũng áp giá trần đối với dầu mỏ của Moscow.

Ngày 9/3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga và giá dầu quốc tế tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Ngày 9/3/2022 tại California, Mỹ, biển báo giá nhiên liệu tại một trạm xăng Shell địa phương. Ảnh: The Paper

Ủy viên cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược của chính phủ Ba Lan Piotr Naimski cho biết, Ba Lan đã và đang mở rộng các kênh cung cấp khí đốt tự nhiên và xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng để ngừng hoàn toàn việc sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga từ năm 2023. Hiện nay, đường ống dẫn khí đốt Biển Baltic xây dựng tại Ba Lan nhằm vận chuyển khí đốt tự nhiên dồi dào từ thềm lục địa Na Uy qua bờ biển Ba Lan đến Trung Âu, được coi là một dự án chiến lược lớn nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng của Nga.

Ngoài ra, Ủy viên EU Kadri Simson phụ trách các vấn đề về năng lượng cho biết, EU có kế hoạch thay thế 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. EU đã liên hệ với tất cả các nhà cung cấp lớn để tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế. Kế hoạch này cũng bao gồm việc sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn thay vì khí đốt tự nhiên, cũng như một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Ngày 11/10/2022, tại Novorossiysk, Nga, một tàu chở dầu đã neo đậu tại cảng Seskaris. Nga đã cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 11 cùng năm để đáp lại những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế giá dầu thô trước tình hình Ukraine. Vào ngày 10/2/2023, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố rằng "Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp giới hạn giá dầu Nga". Ảnh: The Paper

Ngày 4/2/2023, EU tuyên bố hợp tác với Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Australia để áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga. Theo thông báo được Ủy ban châu Âu đưa ra cùng ngày, lệnh giới hạn giá được thực hiện từ ngày 5/2, quy định mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm xăng dầu đắt tiền hơn như xăng, dầu diesel và dầu hỏa, đồng thời đặt mức giá trần là 45 USD/thùng cho các sản phẩm dầu mỏ rẻ hơn như dầu nhiên liệu và naphtha.

Những lo lắng tiềm ẩn trong tương lai

Mặc dù nền kinh tế Nga hiện đang thể hiện khả năng chống lại các cú sốc bên ngoài mạnh mẽ, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng phương Tây sẽ áp đặt các hạn chế ngày càng nghiêm khắc đối với Nga trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, đầu tư, nhập khẩu sản phẩm công nghệ và năng lượng. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Nga. Ngân hàng trung ương Nga dự đoán rằng mặc dù tác động của lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga ở giai đoạn này là "nhỏ" hơn dự kiến, nhưng thời hạn có thể rất dài.

Hoa Vũ (Theo The Paper)

Tin nổi bật