Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Một mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 đầy đủ sẽ gồm những gì?

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Rằm tháng Giêng là dịp các gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng thịnh soạn để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính với tổ tiên. Vậy lễ vật cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu. Năm nay, ngày rằm đầu tiên của năm, tức ngày 15/1 âm lịch nhằm ngày 12/2 dương lịch. 

Người Việt quan niệm, Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường chuẩn bị mâm cỗ cúng rất chu đáo.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho biết, mâm cúng Rằm tháng Giêng đúng theo truyền thống gồm: Mâm cỗ chay cúng trời Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng trời Phật. Ảnh minh họa.

Mâm cỗ chay cúng trời Phật gồm: Hoa quả, chè xôi, các món đậu, bánh trôi nước… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc hanh thông, trôi chảy.

Gợi ý mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng

Một mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng thường gồm những món sau:

- Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng. Thường thì người ta sẽ chọn con gà trống tơ, luộc chín và bày lên đĩa với toàn bộ hình dáng nguyên vẹn, biểu trưng cho sự trọn vẹn, đủ đầy. Gà luộc còn thường được kèm với lá chanh thái sợi nhỏ và chấm muối tiêu.

- Xôi thường được chọn là xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh có màu sắc đẹp và ý nghĩa may mắn. Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự cát tường, trong khi xôi đỗ xanh là biểu hiện của sự đầy đặn và yên bình.

- Giò lụa và giò thủ là hai loại giò phổ biến trong mâm cỗ cúng, tượng trưng cho tài lộc và sự an khang. Những khoanh giò tròn đầy được bày trên đĩa không chỉ đẹp mà còn thể hiện sự sung túc, dồi dào.

- Nem rán (chả giò) là món ăn thể hiện sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nem rán thơm ngon với lớp vỏ giòn rụm, nhân thịt và rau củ đậm đà, làm tăng thêm hương vị hấp dẫn cho mâm cỗ.

- Thịt kho tàu với hương vị đậm đà, miếng thịt mềm nhừ cùng trứng luộc biểu trưng cho sự giàu sang, phát đạt. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn thể hiện lòng thành kính sâu sắc đến tổ tiên.

- Canh mọc với những viên thịt nhỏ hấp dẫn hoặc canh bóng thả thơm lừng không chỉ làm mâm cỗ thêm phần phong phú mà còn mang ý nghĩa cho sự đậm đà, gắn kết của gia đình.

Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa.

- Rau củ luộc với màu sắc tươi tắn, thường là các loại rau theo mùa như bầu, bí, cà rốt, su hào... tượng trưng cho sự khỏe mạnh, tươi mới, là lời chúc về sức khỏe và sinh khí, theo VTC News.

Ngoài thức ăn, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, đèn nến, trầu cau, rượu… 

Nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ: “Nhiều gia đình quan niệm mâm cúng Rằm tháng Giêng phải to, nhiều món ăn. Quan niệm này không còn phù hợp với hoàn cảnh của các gia đình trẻ, ít người. 

Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy. Gia chủ nên tùy tiền biện lễ sao cho phù hợp, tránh lãng phí”.

Chia sẻ trên VietNamNet, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết, vào Rằm tháng Giêng, dân gian sẽ bày hương án ngoài trời, viết bài vị Thiên Quan Tứ Phúc và dâng đồ lễ gồm hoa quả, vật thực. Lễ cúng nhằm mục đích cầu mong được ban phúc, tiêu tai giải hạn…

Nhiều người cho rằng, Rằm tháng Giêng làm lễ cúng thật to, đốt vàng mã thể hiện lòng thành thì cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng và ngày càng biến tướng.

“Việc cúng Rằm tháng Giêng là tín ngưỡng dân gian, mang nét đẹp văn hóa truyền thống. Cúng lễ cốt ở thành tâm, không nên suy diễn thành ra mê tín.

Thiên địa vốn công bằng, tốt hay không là ở suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Nếu làm những việc trái với đạo lý, xã hội thì cúng lễ nhiều cũng chẳng có ích gì”, ông Tuệ đưa ra lời khuyên.

Tin nổi bật