Doanh nghiệp cho biết, số tiền nợ thuế trên là tiền thuế giá trị gia tăng, còn tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản tại Hà Nội doanh nghiệp đã hoàn thành.
Mới đây, cục Thuế Hà Nội đã có buổi làm việc với 71 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ là hơn 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp do nợ kéo dài, dẫn đến số tiền phạt chậm nộp lớn hơn số tiền nợ gốc nhiều lần.
Điển hình của tình trạng này là Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long, tổng số tiền nợ thuế 375 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 128 tỷ đồng, tiền chậm phạt nộp là 242 tỷ đồng. Đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long giải thích, số tiền nợ thuế trên là tiền thuế giá trị gia tăng, còn tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản tại Hà Nội doanh nghiệp đã hoàn thành.
Một doanh nghiệp bị phạt chậm nộp thuế lên đến 242 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
“Từ năm 2011 đến nay công ty gặp 2 lần khủng khoảng, đó là thời điểm khủng khoảng bất động sản năm 2011 và hiện nay là dịch Covid-19. Hiện công ty đã, đang cơ cấu lại nguồn vốn, tài sản và cam kết từ nay đến cuối năm 2020 sẽ nộp khoảng 50% số tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước”, đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long cho biết.
Cũng theo báo cáo của cục Thuế Hà Nội, hiện số nợ của một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty phát triển Phát thanh Truyền hình thông tin cũng lên đến 255 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 34 tỷ đồng, tiền chậm nộp là 220 tỷ đồng.
Giải thích về lý do dẫn đến số nợ thuế trên, đại diện Tổng Công ty phát triển Phát thanh Truyền hình thông tin cho biết, do khó khăn trong việc bán hàng, cũng như khách hàng gặp khó khăn nên doanh nghiệp chưa thu hồi được nợ đối với các căn hộ đã bán,…
Vì thế, doanh nghiệp chưa có nguồn để nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng cam kết đến 31/7/2020, doanh nghiệp sẽ nộp số tiền sử dụng đất còn nợ. Còn số tiền chậm nộp, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch nộp trong năm 2020-2021.
Ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Cục trưởng cục Thuế Hà Nội cho biết, trường hợp Tổng Công ty phát triển Phát thanh Truyền hình thông tin đã được cơ quan thuế làm việc nhiều lần, sau mỗi lần làm việc đều có sự cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Ông Trường đề nghị, nếu doanh nghiệp không thực hiện nộp nợ gốc, thì số nợ này sẽ sinh ra tiền chậm nộp. Vì thế đề nghị doanh nghiệp thu xếp nộp số tiền sử dụng đất như cam kết vào ngân sách nhà nước.
Được biết, danh sách công khai nợ thuế đến thời điểm 30/4/2020 của Cục Thuế Hà Nội có 318 DN thuộc diện công khai lần đầu. Trong đó, có 313 DN nợ số tiền lên tới hơn 65,2 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp. Đứng đầu danh sách này là Công ty CP LILAMA 3 (nợ hơn 3,6 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2020); Công ty CP Tư vấn Xây dựng Đầu tư Dầu khí (nợ 918 triệu đồng).
Ngoài ra, đợt này, cục Thuế Hà Nội cũng công khai lại tên của 56 DN chây ì nợ thuế với số tiền nợ hơn 315 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/4/2020.
Đây là các đơn vị nợ thuế đã được cục Thuế thực hiện công khai những năm trước (năm 2015,2016, 2017, 2018 hoặc 2019). Trong đó có 48 đơn vị nợ 71 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất tính đến ngày 30/4/2020. Đứng đầu danh sách này là Cty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng với số nợ hơn 15,07 tỷ đồng.
Ngoài ra cũng có 2 đơn vị nợ 208,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 4 - Vạn Xuân và Công ty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68.
Cục Thuế Hà Nội cũng công khai tên 6 đơn vị nợ 35,5 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất.
Một số trường hợp cố tình chây ỳ, cơ quan thuế đã nắm bắt được thông tin dòng tiền từ bên thứ 3. Cơ quan thuế sẽ thực hiện xác minh để thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
Trường hợp kết quả xác minh đánh giá biện pháp kê biên tài sản, hoặc thu tiền từ bên thứ 3 không hiệu quả, cơ quan thuế sẽ chuyển biện pháp cưỡng chế cao nhất, đó là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Vũ Đậu (T/h)