Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỗi sáng lại thấy vàng nhẫn có đỉnh mới, cửa hàng bán "nhỏ giọt": Nhà đầu tư có nên mua vào?

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Theo các chuyên gia, NĐT cần tránh tâm lý đám đông, phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư khác như BĐS và chứng khoán bởi dư địa tăng giá của vàng không còn nhiều.

Sáng 20/2, giá vàng miếng trong nước nối dài chuỗi tăng “nóng”. Hiện tại, giá vàng miếng SJC các thương hiệu đang mua vào ở mức 89,90 triệu đồng/lượng và bán ra mức 92,1 triệu đồng/lượng.

Tâm điểm vẫn hướng về vàng nhẫn tròn trơn với việc tiếp tục phá đỉnh, vượt lên trên mức 92 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 10h13 ngày 20/2, thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn ở mức 90,45 triệu đồng/lượng – 92,20 triệu đồng chiều mua vào – bán ra.

Thương hiệu Phú Quý mua vàng nhẫn ở mức giá 90,3 triệu đồng/lượng; bán ra 92 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn được DOJI niêm yết ở mức 90,4 - 92,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Theo ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật, giữa lúc giá vàng tăng “nóng”, không khí giao dịch tại các cửa hàng vàng khá nhộn nhịp. Sau đợt mở bán không giới hạn vào ngày vía Thần Tài, nhiều nhà vàng lại tiếp tục bán “nhỏ giọt”. Mỗi khách hàng chỉ được mua vàng nhẫn với số lượng giới hạn.

Khách hàng chờ đến lượt mua vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Trưa ngày 20/2, tại hai cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cơ sở Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên thông báo bán vàng nhẫn với số lượng tối đa 2 chỉ/mỗi người. Bên trong cửa hàng, người dân xếp hàng dài chờ giao dịch vàng. Có những người chờ đến hơn 1 tiếng đồng hồ để mua vàng nhẫn. Đáng chú ý, ở một số thời điểm hàng dài người xếp hàng hầu hết chỉ để mua vào, rất ít người bán ra.

Rất nhiều khách hàng quyết định mua vàng để tích lũy lâu dài.

Mỗi khách hàng được mua tối đa 2 chỉ vàng nhẫn trong ngày 20/2.

Chị Minh Trang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết vẫn tiếp tục mua vàng để tích trữ thêm: “Giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng, tôi đánh giá đây vẫn là một kênh an toàn để tích lũy lâu dài, vì vậy dù giá đang cao nhưng tôi vẫn quyết định mua vào”, chị Trang cho biết.

Trong khi cửa hàng vàng khống chế số lượng vàng nhẫn bán ra thì trên các chợ mạng, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra sôi động với câu quảng cáo quen thuộc “muốn mua bao nhiêu cũng có”, mức giá thấp hơn giá niêm yết tại cửa hàng tới 1 triệu đồng/lượng. Ở chiều ngược lại, nếu muốn bán vàng, chỉ cần đăng bài vào các hội nhóm này và gần như ngay lập tức sẽ có người hỏi mua với giá cao hơn giá niêm yết của các doanh nghiệp lớn.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Trao đổi với PV, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT nhận định giá vàng đã không còn dư địa tăng nhiều. Theo vị chuyên gia này, nếu lựa chọn đầu tư vàng vào thời điểm này, người mua có thể sẽ trải qua tình cảnh “chôn vốn” trong thời gian dài.

“Có thể vàng sẽ kết thúc chu kỳ tăng trong năm 2025 và bước vào giai đoạn đi ngang, ngủ đông trong khoảng 5 năm sau đó. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ nếu nhìn lại dữ liệu giá vàng giai đoạn 2013 – 2019. Trong giai đoạn 7 năm đó vàng liên tục đi ngang, không tăng”, ông Ngô Thành Huấn cho biết.

Vì vậy, ông Ngô Thành Huấn khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ, tránh tâm lý mua theo đám đông, đồng thời phân bổ tài sản của mình vào các kênh đầu tư tiềm năng khác như bất động sản, chứng khoán.

Đồng quan điểm, TS Châu Đình Linh (Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM) nhấn mạnh nhà đầu tư tránh tâm lý FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ - PV), không để cảm xúc chi phối khi quyết định đầu tư.

“Nhà đầu tư nên đánh giá kỹ lưỡng trước khi mua vào, đừng chạy theo đám đông. Đồng thời, phải đa dạng hoá danh mục đầu tư, theo dõi sát sao thị trường vì giá vàng có sóng lên thì có sóng xuống, nên có quyết định phù hợp với chu kỳ sóng của vàng”, TS Châu Đình Linh khuyến nghị.

Tin nổi bật