Báo Dân trí đưa tin, theo cơ sở dữ liệu của Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NAZK), gần 3/4 trong số khoảng 2.500 linh kiện nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí Nga và được chính quyền Ukraine phân tích là đến từ các nhà sản xuất của Mỹ.
Hàng hóa và vật liệu có nguồn gốc nước ngoài như vi mạch cung cấp năng lượng cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, giúp Moscow chế tạo tên lửa, máy bay không người lái (UAV). Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm cắt đứt các đường cung cấp này, Moscow vẫn tiếp tục nhận được hàng hóa bị trừng phạt thông qua bên thứ ba hoặc mua trực tiếp từ các quốc gia thân thiện.
Cơ sở dữ liệu do NAZK công bố vào ngày 8/12 đã liệt kê 2.453 thành phần có nguồn gốc từ nước ngoài, chẳng hạn như vi mạch hoặc bóng bán dẫn, được tìm thấy trong nhiều UAV, tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử và các vũ khí khác của Nga.
Ukraine phát hiện nhiều linh kiện trên vũ khí Nga đến từ Mỹ. Ảnh: Getty Images
Các nhà sản xuất Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng với 1.816 mặt hàng, tiếp theo là Thụy Sĩ (120), Nhật Bản (96), Trung Quốc (87) và Đức (75). Cơ sở dữ liệu xác định thêm 22 quốc gia ở châu Âu, Đông Á, Bắc Mỹ, Trung Đông và Trung Á.
Theo Dân Việt, Ukraine cũng tìm thấy ít nhất 78 bộ phận do Mỹ sản xuất, cũng như 8 bộ phận từ Thụy Sĩ, 6 bộ phận từ Nhật Bản, 5 bộ phận từ Đài Loan, 3 bộ phận từ Đức và 1 bộ phận từ Tây Ban Nha được sử dụng trong tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal của Nga với tốc độ trên 12.000km/h. Ít nhất 17 linh kiện của Mỹ, cùng với một linh kiện từ Thụy Sĩ và một linh kiện từ Đài Loan đã được sử dụng trong UAV Lancet.
Trong máy bay không người lái loại Shahed-136 do Nga sản xuất có tên Geran-2, nhà chức trách đã tìm thấy 55 bộ phận được sản xuất tại Mỹ, 15 bộ phận từ Trung Quốc, 13 bộ phận từ Thụy Sĩ và 6 bộ phận từ Nhật Bản, cùng nhiều bộ phận khác. Ít nhất 130 bộ phận do Mỹ sản xuất, 8 bộ phận từ Trung Quốc và 13 bộ phận khác từ Thụy Sĩ, Pháp, Đài Loan, Đức, Nhật Bản và Hà Lan đã được sử dụng trong trực thăng tấn công Ka-52.
Do nhiều công ty phương Tây ngừng cung cấp sản phẩm của họ cho Nga và Belarus theo lệnh trừng phạt, doanh số bán hàng trực tiếp của hàng hóa có công dụng kép từ các quốc gia như Mỹ, Anh và EU thực sự đã giảm 96%, nghiên cứu của Ngân hàng Phần Lan cho thấy.
Đổi lại, việc tái xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm sang Nga của các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia từ Trung Á và Kavkaz đã tăng vọt trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine sắp tròn 2 năm.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU nhằm giải quyết vấn đề này. Một trong những biện pháp mới do khối áp đặt yêu cầu các nhà xuất khẩu châu Âu cấm tái xuất khẩu sang Nga các hàng hóa hoặc vật liệu có công dụng kép được tìm thấy trên chiến trường ở Ukraine.
Phương Uyên (T/h)