Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Miền Bắc đón không khí lạnh "cực mạnh", liệu rét đậm, rét hại có kéo dài đến Tết Nguyên đán 2024?

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Miền Bắc chuẩn bị đón một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh. Theo các chuyên gia khí tượng, đợt không khí lạnh lần này xuất hiện đúng vào tiết Đại hàn, nên được dự báo khả năng sẽ có cường độ mạnh và kéo dài nhiều ngày.

Miền Bắc đón rét đậm, rét hại

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 20-21/1, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng cao xảy ra một đợt rét đậm, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 9 độ C, vùng núi cao có thể xuống dưới 2 độ C, có nơi dưới 0 độ C.

Từ ngày 21/1, khu vực vịnh Bắc Bộ, Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển khu vực Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sau đó gió mạnh có xu hướng mở rộng xuống vùng biển phía Nam gây biển động mạnh.

Theo báo Vietnamnet, nhận định về tình hình rét, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đợt không khí lạnh từ khoảng ngày 21-22/1 mang tính chất lạnh khô nhiều hơn ẩm nhưng vẫn gây mưa làm nhiệt độ giảm, trời rét.

Theo các chuyên gia, đợt không khí lạnh tràn về đúng dịp tiết Đại hàn nhưng chỉ gây lạnh ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ không bị ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh này. Đây là một điển hình thời tiết trong năm có El-Nino.

Cũng theo nguồn tin, trước đó, Trưởng phòng dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cũng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên Đán 2024 là nằm trong chu kỳ chính Đông nên không khí lạnh sẽ gia tăng về cường độ và tần suất.

Nhưng theo nhận định, hoạt động của không khí lạnh thời kỳ này có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên số ngày rét đậm, rét hại ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Các chuyên gia vẫn cảnh báo, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh (đặc biệt trong nửa cuối tháng 1-2/2024) gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh ven biển từ Tiền Giang tới Kiên Giang cần đề phòng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra ngay sau Tết âm lịch.

Miền Bắc chuẩn bị đón rét đậm, rét hại. Ảnh minh họa

Ứng phó rét đậm, rét hại

Ngày 17/1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai ban hành văn bản số 22/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trên theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại và tình hình thực tế tại địa phương để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh, trong đó tập trung hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than tổ ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho học sinh các trường nội trú.

XEM THÊM: Tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Bình Dương, 2 nam công nhân tử vong dưới gầm xe container

Các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.

Cùng với đó, các địa phương thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cảnh báo nguy cơ xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Các địa phương chủ động tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn./.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật