Ngày 30/7, Bộ Giao thông vận tải Malaysia đã gửi báo cáo chính thức tới người thân của các nạn nhân, đồng thời tổ chức họp báo liên quan đến vụ mất tích máy bay MH370.
Họp báo công bố báo cáo về máy bay bị mất tích MH370. - Ảnh: The Guardian |
Tại cuộc họp báo, ông Kok Soo Chon, nhà điều tra chính, chịu trách nhiệm về cuộc tìm kiếm MH370 tuyên bố: "Đầu tiên, để làm dịu lo ngại, tôi tuyên bố, đây không phải là báo cáo cuối cùng, chỉ là một báo cáo". Nhà điều tra này cho biết thêm, báo cáo không phải do một mình Malaysia soạn thảo, mà có sự tham khảo và trao đổi với 7 quốc gia, gồm cả Australia và Anh.
"Đó là một quá trình vô cùng mệt mỏi", ông Chon nói về việc gửi báo cáo tới 7 nước và nhận về những bình luận. Tuy nhiên, sau 4 năm kể từ ngày MH370 biến mất bí ẩn, cuối cùng, các nước tham gia tìm kiếm đã đi tới nhất trí.
Sau khi phổ biến lại các mốc thời gian quan trọng trong đêm mà máy bay MH370 mất tích, tiến sĩ Kok Soo Chon tuyên bố rằng chiếc máy bay đã “quay đầu” trong khi bay. Quan trọng nhất, việc chuyển hướng này của MH370 không phải vì gặp vấn đề gì bất thường trong hệ thống, cũng không phải vì hệ thống lái tự động, mà là do điều khiển bằng tay. Hệ thống radar theo dõi của cả dân sự lẫn quân sự đều chỉ ra điều này. Ông nói: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng có sự can thiệp trái phép từ bên ngoài”.
Khi kết luận như vậy, mọi sự chú ý và câu hỏi từ truyền thông đều bao quanh một trong hai phi công điều khiển MH370, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. - Ảnh: Reuters |
Tiến sĩ Chon cho biết, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là người đầu tiên mà nhóm điều tra nghiên cứu kỹ từng chi tiết. Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, đã kết hôn và có 3 con, được xác nhận là một phi công dày dạn kinh nghiệm, đã tích lũy được 18.000 giờ bay.
Theo ông Kok, cơ trưởng Shah chưa bao giờ phải chữa trị tâm lý hay bệnh thần kinh. Ngoài ra, viên phi công cũng không có vấn đề gì xung đột với bạn bè hay gia đình, không dùng chất gây nghiện, không stress hay lo lắng, không có gánh nặng tài chính và chưa hề mua thêm bảo hiểm bổ sung.
Nhà điều tra chính về sự biến mất bí ẩn của MH370 khẳng định, cơ trưởng lái chuyến bay này là một phi công, nhà đào tạo rất được kính trọng.
Ông Kok Soo Chon cũng cho biết, thiết bị mô phỏng chuyến bay được tìm thấy tại nhà cơ trưởng không có gì đáng nghi và nó chỉ là trò chơi có liên quan. "Không có hành động bất thường nào mà chỉ là trò chơi mô phỏng chuyến bay", báo cáo kết luận.
Thiết bị mô phỏng chuyến bay tại nhà cơ trưởng MH370 bị tịch thu vào năm 2014 và các nhà điều tra tìm thấy có một chương trình mô phỏng chuyến bay từ Malaysia tới Ấn Độ Dương, nơi máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines được cho là đã gặp nạn. Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố cho thấy, không có bằng chứng nào khẳng định, máy bay gặp nạn là cố tình.
Nhóm điều tra cũng xem xét việc điện thoại di động của cơ trưởng được sử dụng sau khi máy bay ngừng liên lạc. Tuy nhiên, theo ông Kok: "Chúng tôi đã liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và có thể xác nhận, có tín hiệu nhiệt vào buổi sáng máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, đây chỉ là tín hiệu nhiệt, cho thấy điện thoại được bật lên song không có cuộc gọi nào được thực hiện".
Một phụ nữ đi qua bức tường có hình vẽ MH370 tại thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 29/7. - Ảnh: EPA |
Trước câu hỏi về nghi án MH370 đã bị “kiểm soát từ xa”, tổ điều tra khẳng định không có bằng chứng ủng hộ giả thuyết này. Với các kiện hàng trên máy bay mà truyền thông cho là khả nghi như pin lithium, tiến sĩ Chon cho biết đây là những hàng hóa thông thường và không có gì đặc biệt.
Kết luận báo cáo, tổ điều tra khẳng định rằng các phi công không có biểu hiện gì bất thường, trong khi máy bay cũng được bảo trì kĩ lưỡng nên không có hư hỏng gì dẫn tới sự mất tích của MH370. Việc mất liên lạc chỉ ra rằng hệ thống đã bị tắt bằng tay mà không rõ mục đích.
Theo Guardian, người thân của các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines tỏ ra buồn phiền sau khi nhận báo cáo, nhiều người khác nói báo cáo không đưa ra "kết luận” và thông tin trong báo cáo là không chính xác.
"Một số thông tin trong báo cáo sai, đó là thông tin về phi hành đoàn", thân nhân của một hành khách trên MH370 nói sau cuộc họp ngắn. "Làm sao họ có thể mong chúng tôi tin vào thứ gì đó ở đấy cơ chứ".
Jennifer Chong, có chồng là Tan đi trên chuyến bay MH370, cho hay: "Đối với tôi, đây là một ngày vô vọng khi mọi cánh cửa đều đóng lại".
Tới Bộ Giao thông Malaysia vào sáng nay, Calvin Shim - chồng một nữ tiếp viên trên MH370 cho biết, báo cáo sẽ không có thông tin gì mới sau 4 năm tìm kiếm vô vọng. "Tôi không kỳ vọng sẽ có thông tin mới nào được báo cáo tiết lộ. Hộp đen không thấy, mảnh vỡ máy bay cũng vậy". Tuy vậy, người đàn ông này vẫn hy vọng chính phủ Malaysia sẽ cố tìm các bằng chứng mới và cân nhắc tiếp tục cuộc tìm kiếm.
MH370 - Vụ mất tích máy bay lớn nhất thế giới - Ảnh: CNN |
Vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới, khi chiếc máy bay chở 239 hành khách và phi hành đoàn bất ngờ mất liên lạc khi đang thực hiện hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).
Cuộc tìm kiếm xác máy bay trên Ấn Độ Dương với quy mô 120.000km vuông đã chấm dứt vào tháng 1 năm ngoái, sau một thời gian dài không mang lại kết quả.
Công ty thăm dò Ocean Infinity của Mỹ đã tiếp tục cuộc tìm kiếm vào đầu năm nay, với tuyên bố “không tìm thấy xác máy bay thì không tính phí”. Cuộc tìm kiếm có sự tham gia của thiết bị lặn không người lái công nghệ cao. Tuy nhiên vẫn không có manh mối gì.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất 3 mảnh vỡ của MH370 được tìm thấy, tất cả đều ở bờ biển phía Tây Ấn Độ Dương. Trong đó có một sải cánh dài 2m.
Đã có hàng loạt giả thuyết về lí do khiến máy bay MH370 đột ngột biến mất, từ giả thuyết về một vụ tai nạn, đến một vụ cướp máy bay hoặc thậm chí là một âm mưu khủng bố.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)