Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mẹo trồng khế ra quả quanh năm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Để cây khế ra quả quanh năm, bạn cần lưu ý, độ ẩm rất quan trọng khi cây đang nuôi quả từ tháng 6 đến khoảng cuối năm.

Để trồng cây khế, bạn cần chuẩn bị loại đất trồng nhiều mùn, tơi xốp, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu thoát nước, tránh tình trạng rễ cây bị chèn ép, ngập úng và thối. Cây khế có thể chịu nhiệt tốt, phát triển được ở trong cả môi trường nắng nóng và rét đậm, rét hại nhưng nhiệt độ thích hợp nhất là 22 - 25 độ C.

Cây khế không ưa ánh sáng chiếu thẳng mà lại ưa bóng râm, vì vậy bạn nên trồng loại cây này ở trong vườn có các cây cao hoặc làm giàn leo che bớt ánh nắng. Nếu trồng trong chậu thì chậu phải có kích thước 60cm x 60cm. Lưu ý, cần thay chậu mới mỗi năm để đất khoẻ và cây khế có không gian phát triển.

Loại cây này ưa ẩm, nhất là khi được trồng trong chậu nên bạn cần tưới nước thường xuyên. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu khi cây mới trồng, bạn nên tưới nước 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Sau khi trồng được 3 tháng, lượng nước cần giảm dần để tránh gây ngập úng, làm thối rễ cây. Ngoài ra, cần chú ý kiểm soát lượng nước tưới vào mùa mưa để cây không bị úng.

Bạn nên tiến hành cắt cành cho cây khế một lần mỗi năm. Ảnh minh họa

Theo kinh nghiệm dân gian, để cây khế ra quả ngọt và nhiều, bạn có thể bón phân hữu cơ, chẳng hạn như xác động vật, vỏ trứng hay phân chuồng hoai mục vào gốc.

Trong giai đoạn cây khế đang ra quả, bạn không nên bón phân đạm mà nên bón kali, tro bếp, vôi bột để có thể cải thiện chất lượng quả. Cây khế cần được bón phân định kỳ nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng, cho quả to, ngọt và đậu nhiều.

Để cây khế ra quả quanh năm, bạn cũng lưu ý, khi cây khế đang nuôi quả từ tháng 6 đến khoảng cuối năm, độ ẩm rất quan trọng. Bạn cần tưới nước cho cây khế thường xuyên, trung bình tưới 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều tối.

Trong giai đoạn này, bạn cũng cần chú ý xem cây khế có bị kiến hoặc ong tấn công hay không. Nếu phát hiện kiến hoặc là ong, bạn có thể sử dụng lửa đốt vòng ngoài gốc cây hoặc là dùng vôi bột để xua đuổi.

Bạn cũng nên cắt bỏ phần ngọn non của các cành khế đang phát triển khoảng 20cm, nếu có thể cắt bỏ ngọn trên tất cả các cành thì càng tốt. Bằng cách này, cây khế sẽ ra nhiều chồi mới ở các kẽ lá và hoa cũng bắt đầu ra nhiều hơn. 

Trong trường hợp cây khế cao lớn, nhiều cành lá và không thể tỉa từng cành, bạn chỉ cần bẻ ngọn của các cành to và cành thấp ở phía dưới là được. Các cành nhỏ hơn có thể để phát triển tự nhiên, rồi cắt vào các đợt sau.

Cây khế ưa bóng râm, ưa ẩm. Ảnh minh họa

Sau khi bấm đọt cây, bạn hãy cắt nước của cây trong khoảng 2-3 ngày. Trong giai đoạn này, cây sẽ cảm thấy "khủng hoảng", rồi bắt đầu bước vào thời kỳ phân hóa hoa. Khi cây ra hoa, bạn tiếp tục bón phân và tưới nước để nuôi quả.

Bạn pha loãng phân ure với nước rồi tưới cho cây, khoảng 50 ngày sau, cây ra hoa và kết quả lớn hơn. Nếu muốn khế ra nhiều quả, bạn có thể vun thêm phân hữu cơ hoai mục vào gốc cây tối thiểu 2 lần.

Bên cạnh đó, khoảng 2 tháng 1 lần, bạn có thể vun phân dơi vào gốc. Việc sử dụng nước vo gạo tưới cho cây khế 1 lần/tuần sẽ giúp tăng dinh dưỡng. Sau khi thu hoạch, bạn có thể bón thêm phân để cây mau chóng phục hồi và cho ra đợt quả tiếp theo.

Bạn nên tiến hành cắt cành cho cây một lần mỗi năm, cần cắt bớt những cành vượt lên cao, cành già, cành yếu và cành bị sâu bệnh hoặc là mọc chen chúc. Thời điểm cắt cành thích hợp nhất là vào mùa khô, khoảng tháng 2 và tháng 3 dương lịch. Việc  này sẽ giúp cây ra chồi mới, khỏe hơn, các cành phía dưới được tiếp xúc với nhiều ánh nắng và cây sẽ ra nhiều hoa, quả to hơn.

Để phòng sâu bệnh cho cây khế, bạn có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu tự chế từ tỏi, ớt... Loại cây này thường bị các loại sâu non (thuộc bộ cánh phấn), ruồi đục trái phá hoại. Vào mùa khô, bạn lấy vôi quét vào gốc cây khế để ngăn ngừa các loại sâu đục vỏ và sâu đục thân làm hại cây.

Tin nổi bật