(ĐSPL) - Quản lý tài chính của các ông chồng luôn là cả một nghệ thuật. Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp các bà, các chị quản lý tài chính của chồng khiến đức lang quân "tâm phục khẩu phục".
Cho chồng thử làm “quản lý”
Phụ nữ làm người “quản lý” ngân sách nhiều khi bị mang tiếng nọ kia rằng tiêu hoang, keo kiệt, không biết chi tiêu, lúc nào cũng nhăm nhăm móc tiền ở ví chồng… Vậy hãy thử để cho các đức ông chồng thử làm người “quản lý” để cho họ biết nó đau đầu chứ không đơn giản như các ông chồng vẫn nghĩ.
Không có cách nào hay hơn để chồng bạn hiểu được sự khó khăn khi phải chia sớt “ngân sách” ít ỏi cho hàng trăm thứ tiền cần thiết bằng cách để anh ấy tự tay làm việc đó. Phần lớn đàn ông không khéo léo bằng phụ nữ, và khả năng chồng bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chi tiêu hợp lý cho gia đình là rất cao. Từ đó, chồng bạn sẽ hiểu và thông cảm cho bạn hơn, thậm chí bạn chẳng cần lên tiếng mà anh ấy cũng sẽ tự động “nộp ngân sách” cho bạn.
Công khai các khoản thu nhập, chi tiêu với chồng
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các ông chồng đã đóng góp một khoản tiền cho vợ thường cho rằng mình đã có trách nhiệm và ỷ lại cho vợ, nghĩ rằng vợ tự xoay xở được. Một phần do các bà vợ cũng ngại nói chuyện tiền nong với chồng, vẫn bao bọc chồng và gồng mình chi tiêu trong nhà. Các bà vợ nếu chỉ nói chung chung rằng bây giờ giá cả leo thang, anh góp thêm tiền, các ông thường không để tâm.
Tuy nhiên, nếu chị em có hành động thực sự, như công khai các khoản thu nhập và chi tiêu với chồng, phân tích rạch ròi trước kia mình có khoản này, khoản kia nhưng giờ không còn nữa, đưa chồng đi chợ cùng vài lần để biết giá cả các mặt hàng, thậm chí cắt một số khoản tiêu dùng như không cho bật điều hòa, không dùng bình nóng lạnh để tiết kiệm điện, bớt một số món ăn khoái khẩu mà đắt đỏ trong bữa ăn, giảm chương trình học phụ đạo hay vui chơi của con… các ông sẽ tỉnh ngộ.
Còn đối với những khoản thưởng, những khoản tiền phát sinh so với lương hàng tháng của chồng, chị em nên có kế hoạch chi tiêu trước, gợi ý mua một món lớn cho gia đình thì mới có thể khiến ông xã rút hầu bao.
Với những ông chồng cứng đầu, không chịu đưa lương cho vợ, bạn hãy khéo léo “buộc” vào cổ chàng những khoản tiền cụ thể, ví dụ như: tiền điện, tiền nước, tiền học, tiền cho bên nội bên ngoại, tiền đám cưới… (Ảnh minh họa). |
|
Xem thêm video
Để chồng được tự do
Hãy để cánh đàn ông được tự do cầm ví và tiêu số tiền của mình. Chị em muốn giữ tiền, chỉ nên hoạch định các khoản chi tiêu trong gia đình, từ tiền sinh hoạt phí đến tiền chăm sóc con cái. Và yêu cầu mỗi tháng chồng phải nộp bao nhiêu để sử dụng vào việc đó. Nếu có dư giả thì hai vợ chồng nên thống nhất bàn bạc tiết kiệm, gom góp, đặt ra một quỹ riêng để dùng tới những việc lớn. Có sự thỏa thuận thì lúc nào người chồng cũng ‘tuân mệnh’. Đừng dùng cách ép buộc người khác.
Lên mục tiêu tiết kiệm
Ngoài khoản tiền sinh hoạt phí cơ bản mà hàng tháng chồng đưa, bạn nên rủ rê anh ấy lập một sổ tiết kiệm chung mang tên cả hai người hoặc tạo một tài khoản ở ngân hàng và quy định mỗi tháng mỗi người phải chuyển vào đó bao nhiêu tiền. Việc này vừa giúp vợ chồng bạn tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau vừa có được một khoản tiền tiết kiệm để phòng trường hợp cần thiết.
Vợ chồng bạn nên thống nhất mục tiêu tiết kiệm một cách cụ thể từ tiết kiệm ngắn hạn: sáu tháng, một năm… đến tiết kiệm dài hạn: 5 năm, 10 năm… Không có mục tiêu tiết kiệm, chồng bạn sẽ luôn mù mờ và tự hỏi mình tiết kiệm để làm gì và có thể khiến kế hoạch tiết kiệm của vợ chồng bạn thất bại.
Giao trách nhiệm cho chồng
Với những ông chồng cứng đầu, không chịu đưa lương cho vợ, bạn hãy khéo léo “buộc” vào cổ chàng những khoản tiền cụ thể, ví dụ như: tiền điện, tiền nước, tiền học, tiền cho bên nội bên ngoại, tiền đám cưới… Những khoản tiền này thoạt nghe có vẻ không quá nhiều nhưng cũng giúp bạn giải quyết sinh hoạt phí và không gây ức chế, căng thẳng cho cả hai bên.
Không có mục tiêu tiết kiệm, chồng bạn sẽ luôn mù mờ và tự hỏi mình tiết kiệm để làm gì và có thể khiến kế hoạch tiết kiệm của vợ chồng bạn thất bại. |
|
Mỹ nhân kế với tín đồ của nhậu nhẹt
Rất nhiều bà vợ bó tay và vô cùng chán nản với những ông chồng hay nhậu và tiêu rất nhiều tiền cho các cuộc nhậu.
Cách tốt nhất, các bà vợ có thể làm là bảo chồng cấp kinh phí để tổ chức các cuộc nhậu tại nhà. Ăn ở nhà bao giờ cũng rẻ, ngon và đảm bảo hơn, tất nhiên các bà vợ không thích phương cách này vì sợ phải đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp...
Bạn có thể thử, biết đâu sau một vài lần thấy vợ tận tình chăm sóc và dọn dẹp vất vả các ông chồng sẽ hạn chế việc nhậu nhẹt hơn. Một mũi tên trúng hai đích!
Mạnh tay với ông chồng cả nể
Đàn ông hết lòng vì anh em và bạn bè, còn phụ nữ coi gia đình là trên hết. Chính vì sự khác nhau này mà có nhiều bà vợ điên đầu vì chồng cả nể anh em, bạn bè suốt ngày mang tiền cho hoặc cho vay nhưng chẳng lần nào đòi lại được. Với những ông chồng như thế này, các bà vợ không nên làm om sòm vì có làm vậy cũng chẳng thay đổi được gì.
Cách tốt nhất là bạn nên quản lý chặt hơn lương lậu của chồng và nói chuyện lịch sự nhưng dứt khoát với những người bạn đã mượn tiền của chồng. Có thể họ sẽ không giả tiền lại cho chồng bạn nhưng lần sau họ sẽ không dám mượn tiền của chồng bạn nữa.
Thỉnh thoảng "thụt ví"
Cô Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) có một chiêu “làm kinh tế hộ gia đình” khá độc: Thỉnh thoảng trong những lần giặt quần áo cho chồng, cô rút ra vài đồng trong ví mua thức ăn cho con cháu. Chồng cô ngoài khoản lương cứng được trả qua thẻ ATM đã đưa cho vợ giữ còn có khoản tiền trách nhiệm lấy bằng tiền mặt.
“Trong túi ông ấy thường có một, hai triệu phòng thân do đi ôtô, mình rút ra một, hai trăm nghìn cũng không mấy khi để ý. Mình rút ra cũng chỉ để mua thức ăn cho con cháu, coi như nhặt được một ít tiền. Một tháng chỉ một hai lần thôi nhưng cũng thêm ba, bốn trăm nghìn đồng”, người phụ nữ đã lên chức bà nội, ngoại chia sẻ. “Vợ chồng không nên sĩ hão với nhau làm gì; gia đình mình, mình phải lo. Để tiền đó trong túi các ông cũng vào cà phê, cà pháo hết. Mình lấy ra, con cháu có thêm bữa thịt gà mà ăn”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)