Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mẹ nạn nhân bị sát hại xin giảm án cho 3 bị cáo câm điếc

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đã khá lâu rồi Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM không mở phiên tòa nào lại có nhiều bị cáo trong một vụ án đến như vậy.

(ĐSPL) - Đã khá lâu rồi Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM không mở phiên tòa nào lại có nhiều bị cáo trong một vụ án đến như vậy. Vì thế, sáng 4/2/2015, khi Công an tỉnh Tây Ninh viện dẫn 10 bị cáo đến khán phòng A, đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân.

Truy sát hàng loạt người chỉ vì hai chữ “pê đê”

Đứng sau vành móng ngựa, kẻ cầm đầu vụ án là Nguyễn Văn Cường (23 tuổi, tỉnh Tây Ninh) khai nhận: Khoảng 23h ngày 11/3/2014, tại quán ốc Phố Đêm (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) chủ quán là Nguyễn Văn Luận (27 tuổi, tỉnh Tây Ninh) ngồi nhậu với 3 người bị câm điếc là Nguyễn Thanh Tân (26 tuổi, Bến Tre), Trần Duy Phi Vũ (21 tuổi, tỉnh Tây Ninh) và Nguyễn Hải Hoàng (21 tuổi, TP.HCM). Vừa uống rượu, Luận vừa nhắn tin với anh Phan Quốc A., gọi anh A. là: “Pê đê ở dơ nhất”. Bực mình, A. nhắn tin lại thách thức Luận ra quán ốc F6-24H (huyện Hòa Thành) nói chuyện. Không ngán lời thách đố của anh A., Luận rủ thêm Cường và hai người nữa đi cùng.

Các bị cáo trong giờ nghị án.

Luận gọi điện cho A. và gặp nhau tại quán ốc F6-24H. Vừa thấy A., nhóm Luận xông vào đánh và đuổi chém tất cả những người có mặt tại quán. Trong lúc chống trả, một vị khách tạt nồi nước lẩu về phía nhóm Luận. Nhóm Luận hoảng hốt bỏ chạy về quán ốc Phố Đêm. Vẫn ấm ức trong lòng, Cường tiếp tục rủ thêm 9 người khác (trong đó có 3 người bạn bị câm điếc) đi trả thù. Trước khi đi, Cường lấy 6 con dao chia cho các bạn. Khi đến quán ốc F6-24H, thấy anh Đặng Hà Nh. đang tính tiền cho một số thực khách, nhóm Cường không nói không rằng, tay cầm hai con dao xông vào chém liên tiếp 13 nhát vào người anh Nh.. Hận còn chém tiếp vào người này hai nhát nữa.

Ngoài ra, nhóm Cường còn chém 6 vị khách gây bị thương. Đáng sợ hơn, anh A. thấy hỗn chiến liền chạy vào nhà vệ sinh nữ đóng cửa trốn. Khi phát hiện, nhóm Cường đạp cửa, dùng dao chém qua khe trúng vào tay anh A.. Với hành vi dã man như thế, Cường bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình và cũng là mức án cao nhất so với 9 bị cáo khác. Đứng sau vành móng ngựa, mặt Cường tái nhợt.

Hắn rấm rứt: “Bị cáo suy nghĩ không kỹ nên mới hành động như thế. Trong khoảng thời gian ngồi trong trại tạm giam, bị cáo hối hận rất nhiều. Bị cáo chỉ mong thời gian quay trở lại để sửa sai. Bị cáo hy vọng cấp phúc thẩm giơ cao đánh khẽ, cho mình một cơ hội được sống để trở về phụng dưỡng mẹ, thắp cho anh Nh. một nén nhang tạ lỗi”.

Những lời khai không phát ra thành tiếng

Vì 3 bị cáo Tân, Vũ và Hoàng là người câm điếc nên HĐXX mời một giáo viên đang công tác tại trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (quận 1, TP.HCM) đến phiên dịch. Mỗi khi 3 bị cáo này khai, nữ giáo viên lại dùng ngôn ngữ ký hiệu để giải đáp và dùng lời truyền đạt lại cho mọi người hiểu. Những cái huơ tay cùng những giọt nước mắt của 3 bị cáo khiến không ít người dự khán nhói lòng.

Từ lời phiên dịch của nữ giáo viên, PV được biết cả 3 bị cáo này đều bị câm điếc từ nhỏ. Do vậy, họ luôn cảm thấy thua thiệt với những người xung quanh. Khát khao vươn lên, họ cũng đến các trường chuyên biệt để học chữ. Tuy nhiên, cả ba đều chỉ dừng lại ở trình độ lớp 5. Sau khi nghỉ học, họ lại sống thu mình trong “vỏ ốc”, chỉ chơi, giao tiếp với những người có hoàn cảnh tương đồng. Đó cũng là lý do 3 bị cáo trở thành bạn thân.

Họ khai, mỗi khi gặp nhau là lại đến quán ốc Phố Đêm để nhâm nhi vài ba ly rượu. Hơi men khiến họ quên đi phiền muộn về khiếm khuyết của mình. Hôm xảy ra vụ án cũng là một ngày như thế. Hôm đó, họ nghe Luận rủ đi đánh nhau thì đi theo cho vui. Khi đến hiện trường, Tân và Hoàng chỉ đứng bên ngoài. Riêng Duy, do được đưa một con dao nên đi theo vào bên trong. Hồ sơ vụ án xác định, Duy có dùng dao rượt đuổi một số người nhưng rất may là không trúng ai. Tại tòa, Duy khai, tình tiết này là không chính xác. Duy chỉ cầm dao đứng nhìn, chứ không rượt đuổi hay chém người.

Có mặt tại phiên tòa, cha mẹ của 3 bị cáo này đều tha thiết xin HĐXX giảm án cho con mình. Gia cảnh của cả 3 đều rất khó khăn. Mẹ Tân và Hoàng phải làm giúp việc nhà cho người khác, cha Vũ chạy xe ôm. Mặc dù vậy, khi phiên tòa sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường hậu quả cho gia đình bị hại, những ông bố, bà mẹ này đều chạy vạy tiền đưa đến và gửi lời xin lỗi tới mẹ anh Nh..

Trong phiên tòa này, có gần 100 em học sinh khuyết tật thính giác đến dự khán. Nhờ sự phiên dịch của nữ giáo viên, các em biết rõ tường tận nội dung của vụ án. Có lẽ, thấu hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của 3 bị cáo trên nên thỉnh thoảng nghe lời khai, đôi mắt các em lại lóng lánh nước. Những tiếng thở dài của các em cũng khiến người bình thường tham dự nhói lòng...

Lòng bao dung

Sáng sớm, bà Đặng Thị Tuyết V. (mẹ của anh Nh.) lặn lội từ tỉnh Tây Ninh đến tham dự phiên tòa chỉ với một ý nguyện duy nhất là “xin giảm án cho tất các bị cáo”. Ngồi ở hành lang, bà chia sẻ, bà kết hôn cách đây 25 năm. Vợ chồng bà sinh được 3 người con, trong đó anh Nh. là con trai lớn. Do hoàn cảnh khó khăn, trước đây, cả gia đình phải sống nhờ bên ngoại. Khi anh Nh. tròn 15 tuổi, phía nhà nội gọi về nên vợ chồng bà dẫn theo các con về. Anh Nh. xin được ở lại cùng ông bà ngoại vì ông bà đã già mà không có ai chăm sóc. Bà V. đồng ý. Năm đó, do không có tiền đóng học phí nên Nh. phải dừng nghiệp bút nghiên dù nhiều năm liền đạt học sinh giỏi.

Không muốn trở thành gánh nặng cho ông bà ngoại nên Nh. đi xin làm lơ xe buýt. Mỗi tháng, mức lương anh nhận được chừng 3 triệu đồng. Anh chỉ để lại một ít chi tiêu cá nhân, còn lại đưa hết cho ngoại. Vài năm trước, do tuổi già sức yếu, ông bà ngoại lần lượt ra đi, Nh. vẫn ở trong căn nhà ấy để hương khói. Từ khi vụ án xảy ra, căn nhà cũng được khóa cửa, thỉnh thoảng, vợ chồng bà V. mới đến để thắp hương. Bà V. nhớ lại, một tuần trước khi vụ án xảy ra, xe buýt bị hỏng, anh Nh. trở về nhà chơi hai ngày và nhờ bạn xin vào làm tạm ở quán ốc. Lúc đó, anh nói, sẽ gom góp được ít tiền, vài năm lấy vợ, sinh cho cha mẹ đứa cháu ẵm bồng.

Hai hôm sau, vợ chồng bà nhận được điện thoại thông báo: “Nh. bị đâm trọng thương, đang nằm ở bệnh viện Cao Văn Chí”. Lo ma chay cho Nh. xong xuôi, gia đình các bị cáo mới đến gửi lời xin lỗi, xin thắp nén nhang cho nạn nhân. “Tôi biết, khi Nh. mới bị sát hại, họ sợ nên không dám đến nhà tôi. Qua trò chuyện, tôi được biết, gia đình các bị cáo đều thuộc diện khó khăn, hoàn cảnh tương đối đặc biệt. Trong các bị cáo, có 3 bị cáo bị câm điếc. Các bị cáo khác, gia đình cũng không có nổi một căn nhà kiên cố để ở. Bây giờ, bất kể làm gì, con tôi cũng không thể sống lại. Khi TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, tôi có đến dự và giờ tôi đến dự phiên tòa phúc thẩm này để xin giảm án cho các bị cáo. Hãy xem như tôi đang làm việc thiện, giúp con mình dưới suối vàng được yên lòng”, bà nói.

Người câm, điếc chịu nhiều thiệt thòi

Nữ phiên dịch chia sẻ: “Tôi là một giáo viên dạy trường chuyên biệt, nên hiểu rất rõ tâm lý của các em. Trong tất cả những người khiếm khuyết cơ thể, người bị câm, điếc luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn cả, đặc biệt là về nhận thức. Nếu được sống trong hoàn cảnh tương đồng, người câm điếc nhận thức chưa đến 50\% so với người bình thường”.

Giảm án cho nhiều bị cáo

Hôm đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án cho ba bị cáo bị câm điếc là Hoàng từ 14 năm xuống còn 11 năm, Vũ từ 12 năm xuống còn 9 năm và Tân từ 9 năm xuống còn 7 năm tù. Liên quan đến vụ án, Tòa bác đơn kháng cáo, tuyên phạt Cường tử hình, Hận và Luận cùng 16 năm tù. Ngoài ra, bốn bị cáo khác được giảm mỗi người một năm tù giam. Tất cả cùng về tội danh giết người.

Tin nổi bật