Nằm trên địa giới hành chính của hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông trải rộng trên diện tích 16.999,81 hécta.
Nơi đây sở hữu thảm thực vật phong phú, đa dạng, chủ yếu là kiểu rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa. Hệ động, thực vật tại Khu BTTN Pù Luông thể hiện sự đa dạng về số lượng và chủng loại, với tổng cộng 1.579 loài thực vật.
Gà lôi trắng, thuộc nhóm IB rất quý hiếm tại Khu BTTN Pù Luông.
Trong đó, có 58 loài quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, cùng với 106 loài có tên trong Sách đỏ IUCN (năm 2022), tiêu biểu như thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương...
Về động vật, Khu BTTN Pù Luông là nơi sinh sống của 908 loài, trong đó có 47 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ, đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo tồn, như báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương... Ngoài ra, khu bảo tồn còn được xem là "thủ phủ" của hàng trăm loài bướm, lưỡng cư, động vật thân mềm khác, bao gồm 13 loài chim, 6 loài cá, 2 loài bò sát và 17 loài côn trùng.
Hình ảnh báo gấm qua bẫy ảnh.
Những kết quả này khẳng định giá trị đa dạng sinh học của hệ động, thực vật trong khu bảo tồn. Đây là lần đầu tiên có những hình ảnh minh chứng tính xác thực cho sự đa dạng này. Thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, tình trạng quần thể và khu vực sinh cảnh phân bố của các loài động vật quý hiếm đã được xác định, từ đó tạo cơ sở cho công tác bảo tồn.
Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, cho biết: "Khu BTTN Pù Luông là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Mã, có giá trị lớn về bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, đặc biệt đã ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng."
Sơn dương, thuộc nhóm IB rất quý hiếm.
"Đơn vị thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm, lập danh sách và đưa vào theo dõi quản lý 89 đối tượng tình nghi về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn. Trong thời gian qua, tình hình an ninh rừng ổn định", tờ Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ông Phương cho biết thêm.
Liên quan đến việc đặt bẫy ảnh để ghi nhận hình ảnh những loài động vật quý hiếm, trước đó, báo Dân trí đưa tin, ngày 3/12/2024, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa cho hay, qua đặt bẫy ảnh, lực lượng chức năng của đơn vị ghi nhận trong khu bảo tồn có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Loài mang quý hiếm.
Cụ thể, sau thời gian đặt bẫy ảnh từ năm 2023 đến đầu tháng 12/2024, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu ngựa, mèo rừng, mang thường, chồn bạc má, chồn họng vàng, gà rừng, gà tiền mặt vàng, lửng lợn…
Đáng chú ý, hình ảnh ghi nhận cho thấy nhiều loài động vật hoang dã đi theo đàn, theo cặp như mèo rừng, gấu ngựa, hoẵng, lợn rừng…
Theo Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, đây là lần đầu tiên có hình ảnh cụ thể về việc xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm, thay vì như trước đây chỉ ghi nhận bằng các dấu vết.
Ảnh: Dân trí, Sức khỏe & Đời sống