(ĐSPL) - Vì nhiều lý do, người vợ phải chấp nhận ở nhà để chồng nuôi. Nhưng cũng từ giây phút quyết định nghỉ việc, cuộc sống của họ đã thay đổi chóng mặt khi phải sống trong sự dò xét, soi mói của gia đình nhà chồng.
“Vợ thằng Hoàng làm lương tháng hơn chục triệu. Vợ thằng Tuấn năng động mở shop thời trang. Vợ thằng Huy mới được phong danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố”… Cuối cùng, mẹ chồng chốt lại: Con dâu nhà này chỉ quanh quẩn xó nhà. Mọi người luôn ca ngợi lao động là vinh quang. Nếu bước ra ngoài xã hội làm ra tiền thì được coi trọng, còn ở nhà tất bật với trăm thứ “việc không tên” lại bị coi thường. Đó là hoàn cảnh của chị Liên (Mỹ Đình, Hà Nội) đang phải đối mặt.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Chị Liên vốn là kế toán của một công ty thực phẩm, lương lậu không cao nhưng cũng đủ lo các bữa ăn cho gia đình. Chồng chị làm sếp (trưởng phòng) của một công ty làm về xuất nhập khẩu nhỏ nên lương lậu khấm khá hơn nhiều. Mặc dù vợ chồng chị ở nhà riêng nhưng mẹ chồng vẫn can thiệp vào mọi việc, nhất là khi chị hạ sinh con gái đầu lòng.
Sau 6 tháng ở cữ, chị Liên tính đi làm làm lại thì chồng chị can ngăn, muốn chị nghỉ việc để chăm sóc con cái và chu toàn mọi việc trong gia đình. Thương con nhỏ, chị đành nghỉ việc không lương để có thời gian bên con. Quan hệ vợ chồng chị vẫn rất tốt. Duy chỉ có mẹ chồng chị là thay đổi 180 độ.
Từ ngày con dâu không đi làm, bà bắt đầu bắt bẻ, soi mói từ việc ăn uống cho đến mua bán chi tiêu trong gia đình. Vì con không chịu uống sữa nên chị thay loại sữa khác cho con cũng bị mẹ chồng mắng xối xả: “Làm không ra đồng nào còn tiêu hoang phí, đã thế còn không cho con uống nổi hớp sữa. Chỉ khổ cái thằng con trai tôi thôi, nai lưng ra làm, nuôi mấy cái tàu há miệng”…
Không những thế, từ ngày chị không kiếm ra tiền, tiếng nói trong gia đình cũng mất hẳn. Chị không được tham gia vào chuyện đại sự gia đình nữa. Hễ chị có ý kiến gì là mẹ chị lại chặn họng. Thậm chí ngay cả việc cô em chồng vay vợ chồng chị tiền mua nhà cũng do mẹ chồng chị quyết bởi đó là tiền của con trai bà. Hậm hực, chị nói với chồng dù sao đó cũng là tiền của hai vợ chồng, ít ra cũng phải hỏi ý kiến chị, nhưng chồng chị vốn là người hiền lành lại nể trọng bố mẹ nên cũng ngậm ngùi khuyên vợ bỏ qua. Hiện tại, Liên chỉ mong con gái mau lớn đi nhà trẻ để chị đi làm, tránh bị mẹ chồng soi mói và sự kiểm soát của gia đình nhà chồng.
Theo ý kiến của chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền, trong xã hội hiện nay, gía trị người phụ nữ dễ được nhìn nhận hơn khi có công việc ổn định và duy trì tốt đời sống gia đình. Một phụ nữ đi làm ngoài xã hội, dù làm công việc kiếm được nhiều hay ít tiền cũng đều góp phần tăng thêm sự tự tin cho họ.
Bên cạnh đó, trước những quan hệ tại cơ quan, công ty, người phụ nữ luôn được chia sẻ và trở nên yêu đời hơn. Khi đi làm tức là người phụ nữ cũng chứng tỏ được bản thân với chồng và gia đình nhà chồng rằng họ không hề thua kém người đàn ông trong gia đình. Họ vẫn có thể vừa chăm sóc con tốt và làm việc hăng say.
Đặc biệt, họ không hề ăn bám chồng và gia đình nhà chồng. Họ là một người phụ nữ hoàn toàn độc lập. Khi người phụ nữ đi làm có nghĩa là họ không phải chỉ quẩn quanh trong xó bếp hoặc từ chợ về nhà, từ nhà ra chợ nữa. Họ sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, làm quen nhiều khoa học công nghệ mới… Từ đó, sự hiểu biết của họ sẽ tăng lên và họ có ý thức hoàn thiện bản thân ngày một hoàn hảo hơn. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu có thể thì chị em không nên từ bỏ công việc của mình mà chỉ quẩn quanh ở nhà chăm sóc gia đình. Bởi theo kinh nghiệm của hầu hết những người phụ nữ thành đạt, nếu chấp nhận ở nhà, bạn sẽ bị tụt hậu, có khi còn bị chồng và gia đình chồng coi thường.
Bài đã đăng trên chuyên trang Hôn nhân pháp luật của báo Đời sống pháp luật
LINH NGỌC
Video: Chuyện kể lúc 0 giờ - Mẹ chồng nàng dâu đón tết P1