Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

MC Nguyên Khang: Victoria's Secret cũng dùng nội y để quảng cáo, nhưng văn minh và sáng tạo

(DS&PL) -

PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với MC Nguyên Khang xung quanh tranh cãi về việc sử dụng hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo.

PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với MC Nguyên Khang xung quanh tranh cãi về việc sử dụng hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo.

- Nhiều người cho rằng hình ảnh phụ nữ Việt đang bị sử dụng không phù hợp trong các quảng cáo. Bản thân anh đánh giá như thế nào về nhận định này?

Từ xưa đến nay, hình ảnh của người phụ nữ luôn là yếu tố thu hút quảng cáo, họ luôn là gương mặt xuất hiện trên các trang bìa tạp chí, đại diện cho đại đa số các sản phẩm từ mỹ phẩm, công nghệ, thời trang đến thể thao... và lý do chính thì ai cũng biết, phụ nữ đã được ưu ái trao cho mỹ từ phái đẹp.

MC Nguyên Khang.

- Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của phụ nữ Việt hiện nay đang bị sử dụng không phù hợp trong một số sản phẩm quảng cáo khiến dư luận cảm thấy bất bình. Thế nhưng, nhiều người cũng đang thắc mắc, thế nào là phù hợp và không phù hợp?

Mới đây, sự việc một nhãn hàng cho người mẫu mặc bikini trong hoàn cảnh không phù hợp đã bị dư luận lên án. Cá nhân tôi nghĩ, việc sử dụng hình ảnh của phụ nữ Việt không phù hợp trong những hoàn cảnh cụ thể sẽ là con dao hai lưỡi. Nhiều doanh nghiệp “cố đấm ăn xôi” để đạt được mục đích được truyền thông rộng rãi mà không bị mất phí, thậm chí lên cả báo nước ngoài, nhưng nếu làm không khéo, nó có thể giết chết cả một thương hiệu mà doanh nghiệp đã tốn nhiều công sức gây dựng.

Bikini là một sản phẩm để phô diễn đường cong nét đẹp của phụ nữ, nó là một phần thi vô cùng hấp dẫn trong các cuộc thi hoa hậu được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, trong một không gian không phù hợp bikini sẽ bị xem là rẻ tiền, thậm chí là phản cảm.

Cá nhân tôi nghĩ, cách sử dụng hình ảnh phụ nữ không phù hợp dù là phụ nữ Việt hay nước ngoài cho mục đích quảng cáo đều không nên ủng hộ. Đó là cách làm giàu hầu bao và túi tiền của mình nhưng xem nhẹ hình ảnh, thậm chí là nhân cách của phụ nữ. Vô hình trung nó cổ xúy cho việc xem phụ nữ như một món hàng kinh doanh chứ không phải là người nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm.

- Có một số đơn vị sử dụng hình ảnh phụ nữ mặc bikini để quảng cáo và nhận những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận, bị cơ quan chức năng phạt. Bản thân anh đánh giá thế nào về những phản ứng gay gắt của dư luận?

Tôi nghĩ, các doanh nghiệp dường như cũng không lường trước được những phản ứng dữ dội của dư luận. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, có nhiều doanh nghiệp chấp nhận “cố đấm ăn xôi”, mất một số tiền phạt nhưng thương hiệu sẽ được nhắc đến rất nhiều mà không phải tốn đồng nào cho truyền thông.

Quảng cáo thế nào là do nhãn hàng chọn, nhưng cũng cần phải hiểu nếu truyền thông sai cách, phản cảm trong nhiều trường hợp sẽ phản tác dụng, thậm chí dẫn đến hậu quả nặng nề, nặng nhất có thể bị tẩy chay. Phạt chỉ là một chuyện, quan trọng là ý thức của doanh nghiệp. Nhiều người còn nói với tôi, nên tăng mức tiền phạt, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng có ích lắm, quan trọng vẫn là ý thức mà thôi.

Với tôi, phụ nữ là để thương yêu và trân trọng. Họ là bà, là mẹ, là vợ của chúng ta. Yêu thương họ là cách chúng ta trân trọng chính nền tảng văn hóa của gia đình mình. Và trên tất cả, phụ nữ với phụ nữ càng cần phải bảo vệ nhau, không nên để người khác coi thường mình, thay vì dùng hình ảnh phản cảm để làm xấu đi hình ảnh của “phái đẹp” trong mắt xã hội, ta nên làm đẹp hơn hình ảnh của họ cũng như làm đẹp hơn hình ảnh của chính doanh nghiệp.

Tiền có thể dễ kiếm, nhưng thay đổi nhận thức quan điểm của xã hội có khi phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Xã hội đang tiến lên, xin đừng kéo tất cả lùi vào quá khứ.

- Vậy theo anh nên khai thác hình ảnh phụ nữ thế nào trong các quảng cáo?

Tôi nghĩ, mỗi năm các doanh nghiệp thường phải tốn rất nhiều tiền cho các công ty quảng cáo để nghĩ ra ý tưởng độc đáo trong khâu marketing sản phẩm. Vậy, họ hãy sử dụng khoản tiền đó sao cho lợi ích mang lại đạt mức cao nhất. Nhìn lại lịch sử hào hùng của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy hình ảnh người phụ nữ hiện lên rất kiên cường, bất khuất. Vẫn còn đó những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những đội quân tóc dài, những danh nhân lịch sử là các “bóng hồng”. Ngoài vẻ gợi cảm, phụ nữ vẫn còn những tố chất khác để khai thác quảng cáo như sự hy sinh, sự thông minh, cần cù, chịu khó...

Cá nhân tôi rất trân trọng những ý tưởng tôn vinh người phụ nữ. Tôi không phản đối việc dùng hình ảnh gợi cảm của phụ nữ để quảng cáo cho sản phẩm, nhưng nó phải văn minh, sang trọng và quyến rũ. Ví dụ như trường hợp của hãng đồ lót Victoria's Secret, những cô gái tuyệt đẹp trong những đôi cánh thiên thần sải bước cùng những bộ nội y gợi cảm luôn được báo chí khen ngợi bởi ý tưởng sáng tạo và chưa bao giờ lặp lại. Họ cũng dùng nội y để quảng cáo, nhưng nó văn minh và sáng tạo.

- Nhiều người cho rằng, có sự phân biệt giới tính, bất công với người phụ nữ trong một số quảng cáo. Nó đang cổ xúy cho lối suy nghĩ không công bằng về nam – nữ, "đàn bà lo bếp, đàn ông lo nhà"?

Tôi không đồng ý với quan điểm này. Mới đây, tôi có xem một số sản phẩm quảng cáo chuyện bếp núc được phát dịp Tết này. Tôi thấy người ta đề cao sự công bằng trong việc lo gian bếp ấm cúng của cả hai giới. Họ nhấn mạnh thông điệp đàn ông cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong việc phụ vợ vào bếp. Có lẽ, những kiểu quảng cáo sản phẩm “đàn bà lo bếp, đàn ông lo nhà” đã xưa rồi, thông điệp cũng không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện đại.

Việc Nam là một nước Á Đông và từ xưa bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Khi hội nhập và mở cửa, Việt Nam tiếp thu nhanh những cách quảng cáo văn minh của phương Tây trong việc đề cao vai trò hình ảnh của người phụ nữ. Những sản phẩm tôn vinh hình ảnh của người mẹ, người vợ luôn được xã hội đón nhận và sản phẩm cũng vì thế tăng doanh số ấn tượng.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Lê Anh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 16

Tin nổi bật