(ĐSPL) - Theo Tokyo Shimbun, Trung Quốc có thể lợi dụng việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích để tăng cường yêu sách chủ quyền Biển Đông.
Tờ báo của Nhật Bản này cho rằng thông qua việc cử 10 tàu chiến và tàu công vụ tìm kiếm máy bay Boeing 777 mất tích của Malaysia Airlines, Trung Quốc đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát khu vực.
|
Máy bay mất tích giúp TQ tăng cường yêu sách Biển Đông? |
Trong khi hai tàu lớn nhất của Hải quân PLA là tàu tấn công đổ bộ Jinggang Shan Type 071 và tàu hậu cần Fuchi lớp Qiandaohu đã được triển khai đến Biển Đông, Tokyo Shimbun cho biết nhiều vệ tinh Trung Quốc cũng đã được triển khai phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Mặc dù liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay Boeing 777 mất tích ở trên vùng biển nằm giữa Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, nhưng người Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay này trong khu vực bằng cách tuyên bố rằng họ không nhận được sự hợp tác đầy đủ từ các nước này. Hầu hết các quốc gia nhỏ đều không thể tiến hành các hoạt động cứu hộ trong một thời gian dài do thiếu phương tiện, vì lý do này, Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể tiếp tục các nỗ lực cứu hộ.
Trong khi đó, những tiết lộ tiếp theo liên quan đến sự mất tích của chuyến bay MH370 cho thấy rằng các hệ thống thông tin liên lạc của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines đã bị cố tình bị tắt, đường bay của nó đã thay đổi sau khi mất liên lạc và nó có thể tiếp tục bay trong nhiều giờ với số nhiên liệu còn lại. Điều này có nghĩa là máy bay Boeing 777 không rơi xuống Biển Đông và có thể bay tới Nam Ấn Độ Dương hoặc bay vào đất liền tới tận...Kazakhstan.
|
Tàu tấn công đổ bộ khổng lồ Jinggangshan của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Tờ Tokyo Shimbun cảnh báo rằng Trung Quốc dường như cố gắng thiết lập sự thống trị ở Biển Đông thông qua việc hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Ngoài hợp tác kinh tế, tờ báo cho rằng Trung Quốc có thể khẳng định quyền lực hàng hải trong khu vực thông qua các hoạt động cứu hộ và các hoạt động an ninh khác trong tương lai. Điều này cuối cùng sẽ củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Minh Đức (theo WantChinaTimes)