Theo trang Times of India, vụ việc xảy ra vào chiều 22/7. Khi hành khách đang rời khỏi máy bay sau chuyến bay kéo dài từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến New Delhi, bộ phận cấp điện phụ trợ (APU) nằm ở phần đuôi máy bay bất ngờ bốc cháy.
Dù ngọn lửa khiến thân máy bay bị hư hại nhẹ, tất cả hành khách và phi hành đoàn đều rời khỏi máy bay an toàn, không ai bị thương.
“Chuyến bay AI 315 khai thác hành trình từ Hồng Kông đến Delhi ngày 22/7 đã gặp sự cố cháy APU ngay sau khi hạ cánh và đỗ tại cửa. Sự cố xảy ra khi hành khách bắt đầu rời khỏi máy bay. APU đã tự động tắt theo thiết kế. Mặc dù máy bay bị hư hỏng nhẹ, hành khách và phi hành đoàn đều rời khỏi máy bay một cách bình thường và an toàn”, người phát ngôn của Air India cho biết.
Air India cho biết chiếc máy bay này đã bị đình chỉ bay để phục vụ công tác điều tra.
Máy bay chở 170 hành khách của Air India bất ngờ bốc cháy sau khi hạ cánh
Nguồn tin từ India Times cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể liên quan đến lỗi bảo trì kỹ thuật, tuy nhiên cần điều tra kỹ lưỡng để xác định chính xác.
Theo trang web hàng không Skybrary, bộ phận phát điện phụ (APU) cho phép máy bay vận hành một cách tự động mà không cần phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ mặt đất như nguồn điện mặt đất, thiết bị điều hòa không khí bên ngoài hoặc xe khởi động bằng khí nén áp suất cao.
"APU là một động cơ phản lực nhỏ, thường được đặt ở phần đuôi của máy bay nhưng trong một số trường hợp có thể được lắp trong vỏ động cơ hoặc trong khoang bánh xe. APU có thể khởi động chỉ bằng pin của máy bay và khi đã hoạt động, nó sẽ cung cấp điện cho các hệ thống trên máy bay, cũng như khí nén để điều hòa không khí và khởi động động cơ" - theo thông tin trên trang web Skybrary.
Đã từng xảy ra các trường hợp APU bị hỏng hoặc cháy, cả khi máy bay đang ở mặt đất và đang bay trên không, trên toàn cầu. Vào tháng 6/2016, một chiếc Airbus A330 của một hãng hàng không nước ngoài khi đang ở sân bay London Heathrow (Anh) đã bị khói bao trùm và buộc phải tiến hành sơ tán khẩn cấp. Cuộc điều tra sau đó cho thấy khói xuất phát từ việc một gioăng APU bị hỏng khiến dầu nóng lọt vào hệ thống cung cấp khí nén.
Vụ cháy APU trên AI 315 xảy ra trong bối cảnh Air India đang đối mặt với áp lực lớn về các sự cố an toàn. India Times cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng gần đây, hãng đã bị cơ quan chức năng Ấn Độ gửi 9 thông báo yêu cầu giải trình liên quan đến 5 vi phạm an toàn đã được xác định.
Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất là tai nạn hàng không thảm khốc vào ngày 12/6. Chiếc Boeing 787-8 mang số hiệu AI 171 của Air India đã rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Ahmedabad, khiến 241/242 hành khách và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng.
Theo báo cáo sơ bộ của Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ (AAIB), nguồn nhiên liệu dẫn tới cả hai động cơ đã bị ngắt chỉ trong vòng một giây, khiến tổ lái không kịp phản ứng và dẫn tới thảm kịch.
Trong khi đó, Air India khẳng định đã kiểm tra toàn bộ hệ thống khóa nhiên liệu trên các dòng máy bay Boeing 787, 737 và không phát hiện vấn đề bất thường nào.