Sau lần nhặt được những miếng vàng lá tại khu vực Giồng Cát bên chân núi Ba Thê, ông Mọi đinh ninh rằng, ở dưới nền đất khu vực này còn chứa nhiều vàng. Nếu tìm thấy thì không những vợ con thoát khổ mà ông sẽ là “đế vương” của vương quốc Phù Nam xưa. Từ đó, lão nông này để vợ con ở nhà, một mình ngày đêm ngụp lặn bên cánh đồng cổ Óc Eo săn lùng kho báu.
|
Những cổ vật ở di chỉ Óc Eo. |
Nhưng rồi, ông đã rơi vào tình cảnh bi hài. Khi giấc mơ đổi đời chưa thành hiện thực thì người vợ đầu ấp má kề đã bí mật bán luôn căn nhà mồ hôi nước mắt chồng vợ chung lưng đấu cật xây dựng. Tan “giấc mộng đế vương”, ông lủi thủi cất chòi một mình sống dưới chân núi Ba Thê và rồi lại đi… tìm vàng.
Mải tìm vàng đến nỗi… mất vợ
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Mọi (56 tuổi, Ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào một buổi trưa nắng gắt khi ông đang cặm cụi đào bới cùng 10 người khác trên một bãi đất nhuốm màu sành sứ ở vùng Óc Eo. Nhưng lần này, ông không phải tìm vàng mà đang đào huyệt giúp cho một người bà con dưới chân núi Ba Thê. Khi biết chúng tôi tới tìm hiểu về cuộc khám phá kho báu, ông nhất quyết từ chối với lý do không muốn nhắc lại quá khứ buồn. Thế nhưng, sau hồi thuyết phục, ông cũng bỏ chiếc cuốc xuống và dẫn chúng tôi tới một bụi cây rồi ngược ký ức như giốc bầu tâm sự. “Nói thật, thương cô chú lặn lội từ xa lên tìm nên tôi mới tiếp chuyện thôi. Đây là chuyện quá khứ rồi, nó mang lại cho tôi nhiều chuyện đau lòng lắm nên tôi không muốn nhắc lại. Vợ con, nhà cửa đã mất hết cũng vì vàng, giờ tôi phải lên núi ở một mình”, ông Mọi giọng bẽ bàng.
|
Ông Mọi trò chuyện với PV. |
Kể về câu chuyện tìm thấy vàng năm xưa, ông Mọi nói: “Ngày đó, gò Giồng Cát đông như cái chợ, ngày cũng như đêm chưa bao giờ ngớt tiếng đào xới. Người ta mang cả bún, cà phê, quán đèn mờ vào bãi giải trí. Người có tiền thì trả tiền hoặc trả bằng vàng, cổ vật vừa đào được. Đội quân đào, bòn vàng đến từ các nơi, nhiều hộ đi cả nhà trên ghe hoặc che lều tạm tại “hiện trường” có khi nhiều tháng trời mới chuyển chỗ”. Lúc đó, ông là Xã đội phó xã Tân Phú (huyện Châu Thành), thấy ai cũng đi kiếm vàng, nhà lại quá khó khăn nên ông cũng lén đi “săn” thử. Vài ngày sau, khi đào xuống đất nghe cái sột, lộ ra cái hộc gạch, trong có nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa, rồi đầu lân, nồi đất, ngựa, rắn, kèn thổi… (bằng gạch, đá xanh) được chế tác rất đẹp mắt, cùng rất nhiều xương không biết của người hay động vật. Mừng quá, ông đem ra tiệm vàng Bi ở chợ, khi “thổi” ra còn chưa đầy 3 cây, bán khoảng 300.000 đồng. Các thứ mà bây giờ cho là cổ vật, ông bỏ lăn lóc, cho con trẻ chơi.
Thế nhưng, khi đang nhiệt tình kể về câu chuyện mình đi săn vàng, ông xã đội phó bỗng nhiên im lặng, trên khuôn mặt đen sạm của ông hai hàng nước mắt đã lăn dài. Ông khóc vì nhớ lại chuỗi ngày cơ cực, bất hạnh của mình sau khi trúng “kho báu”. Ông tiếp mạch chuyện: “Hồi ấy, có trong tay 300.000 đồng cũng lớn lắm chứ. Có tiền tôi liền mua sắm đồ đạc trong nhà và mua đôi trâu cho thằng con trai trông nom. Còn tôi, ngày nào cũng một mình lặn lội lên khu vực chân núi Ba Thê đào bới những mong sẽ gặp được may mắn lần nữa. Lúc đầu thì cũng kiếm được một ít đồ vật và mấy miếng vàng lá, sau đó thì ít hẳn, có ngày về tay trắng. Chính vì mình đi tối ngày như vậy nên đã không quản được vợ con. Sẵn có số tiền tôi kiếm được, vợ tối ngày chúi đầu vào bài bạc, con thì ăn chơi lêu lổng. Cuối cùng vợ tôi đã bí mật bán luôn căn nhà nướng vào sới bạc”. Chuyện là, vào năm 1992, sau một chuyến đi đào vàng trở về, ông Mọi gặp hai người đàn ông lạ mặt tới cắm đất nhà mình. Khi hỏi ra mới biết, vợ ông thua bạc nên đã cắm cả nhà, đất cho họ. Quá bực mình với người vợ hư hỏng, ông liền bỏ lên núi sống một mình. Sau đó, vợ ông cũng dắt con bỏ đi nơi khác không còn liên lạc với ông nữa.
Vẫn kiên trì với giấc mộng đổi đời từ kho báu cổ
Mọi người xứ Óc Eo vẫn nhớ mãi một gia đình 4 người ở xã Tây Phú gây “chấn động” giới đào, bòn vàng thời đó. Sau nhiều tháng kiên trì tìm kiếm, các thành viên gia đình đào được một thùng vàng, không ai biết đích xác là bao nhiêu do chủ nhân đã lui ghe đi mất. Vì lý do này mà ông Mọi lúc nào cũng tưởng tượng rằng, ở một nơi nào đó sẽ còn rất nhiều vàng vì vương quốc Phù Nam xưa rất giàu có. Thế nhưng, cho dù ngày nào cũng đào bới hết nơi này tới nơi khác thì kho báu vẫn “lẩn trốn” ông. Với quyết tâm đổi đời bằng được, ông Mọi chỉ cần nghe nơi đâu có vàng là lại mang cuốc tìm tới. Có những lần, ông đi cả tuần mà không tìm được gì. Không những thế, vì một mình sống trên núi heo hút ông thường phải nhịn đói cả mấy ngày trời, chỉ đợi có người quen đi ngang qua thì xin ăn. Vậy mà, cứ tỉnh dậy ông lại lết đi tìm thứ ảo vọng mà hơn 20 năm nay nó đã biến ông từ một xã đội phó thành kẻ thân tàn ma dại.
“Tuy rằng tôi chưa tìm ra kho báu nhưng chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ có được. Ở nơi này đâu cũng có báu vật, chỉ cần mình thành tâm thì thế nào cũng có”, nói đến đây đôi mắt ông Mọi lại sáng lên. Thế nhưng, theo ông thì dù nhiều năm kiên trì đào bới khắp các ngõ ngách của vùng núi Ba Thê, ông cũng chỉ tìm được toàn những tàn tích cổ xưa. Họa hoằn lắm ông mới nhặt được chiếc vòng, chén bát mẻ không mấy giá trị. Ông Mọi lôi ra từ trong túi một sợi dây chuỗi bằng đá khoe là chiến tích cách đây 3 ngày của ông.
“Chuỗi này là tôi đào được sau chùa Linh Sơn, nhìn vậy thôi chứ chắc có giá lắm. Bữa nào tôi mang xuống huyện coi ai mua được giá thì tôi bán. Khu vực chùa này lúc trước là nền của cung vua nên còn nhiều báu vật lắm. Nhưng giờ là chùa nên không ai dám vào đào. Tôi cam đoan rằng, nó đang ẩn chứa một kho báu khổng lồ của vị vua xưa cũng nên”, ông Mọi khẳng định. Chúng tôi tạm ngắt ngang “giấc mộng đế vương” của ông và hỏi: “Sao ông không tìm việc khác để làm?”. Lão nông thành thật: “Giờ tôi có tuổi rồi, cũng đâu làm gì được nữa, chỉ có thể quanh quẩn ở khu vực này thôi nên không tìm vàng thì tôi biết lấy gì mà sống”.
Người dân quanh vùng núi Ba Thê lâu nay thường coi ông Mọi là một kẻ gàn dở. Bởi đang sống yên ổn, có chức quyền, vợ con đề huề nhưng vì vàng mà ông mất tất cả. Người ta trách bà vợ bạc tình bao nhiêu thì cũng dè bỉu ông cái tật say vàng đến mê muội. Chúng tôi dời núi Ba Thê khi buổi chiều chập choạng. Ông Mọi đôi mắt đượm buồn, tuổi bóng xế đã cận kề, có lẽ chỉ có bệnh tật khiến đôi chân ông không đi được nữa thì ông mới chùn bước trên con đường tới giấc mơ… vàng.
Ông Trần Hữu Phước (82 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn) cho biết: “Khoảng hơn 70 năm trước, nhiều người dân Ba Thê khi cày ruộng đã vô tình lượm được các chuỗi hồng ngọc và các món trang sức bằng vàng như: nhẫn vàng, mão vàng, vàng nén thỏi to bằng quả trứng gà... trên cánh đồng. Ban đầu, người dân địa phương chưa nhận rõ giá trị nhưng sau đó những người lạ, ông thầy địa lý xuất hiện liên tục nên họ mới biết vùng đất này có kho báu. Đến năm 1976, có đoàn khảo cứu trong nước về khai quật tiếp nền văn hóa xưa và phát hiện thêm những cổ vật cùng hạt lúa cổ nằm vùi sâu dưới lớp đất của vùng Óc Eo. Những thông tin dồn dập về kho báu Vương quốc cổ Phù Nam đã khiến các tay bòn vàng mở rộng tìm kho báu. Chính vì vậy, nhiều người dân nơi đây đã bị lôi kéo vào cuộc tìm kiếm kho báu tưởng tượng ấy. Tiến sĩ Ngô Quang Láng (Trưởng ban quản lý Khu di tích Óc Eo - Ba Thê) cho hay: Hiện nay gò Cây Thị nằm trong khu vực nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa vẫn còn giá trị về mặt khảo cổ. Nạn bòn vàng bây giờ không còn, có chăng kho báu còn ẩn trong lòng đất cổ ở vùng Ba Thê, Thoại Sơn nói riêng và vùng Thất Sơn nói chung là những cổ vật của người Phù Nam để lại cùng một nền văn minh ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Thế nhưng, điều đáng buồn là cơn sốt vàng năm xưa của người dân đã xóa đi nhiều giá trị cổ. |