Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mất con vì “cái chết trắng”, mẹ thành “người đàn bà thép” chống ma túy

(DS&PL) -

Từ ngày chứng kiến đứa con đầu lòng đau đớn ra đi mãi mãi vì “cái chết trắng”, hận thù ma túy, bà đem mọi nhiệt huyết của năm tháng cuối đời đương đầu với ma túy.

Từ nhỏ, bà Lê Kim Chung đã căm ghét cái xấu, thích đấu tranh, loại trừ tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường sống xung quanh. “Máu đấu tranh” ấy được khơi dậy mạnh mẽ từ ngày bà chứng kiến đứa con đầu lòng đau đớn ra đi mãi mãi vì “cái chết trắng”. Hận thù ma túy, không muốn những người mẹ khác phải trải qua nỗi đau mất con giống mình, bà đem mọi nhiệt huyết của năm tháng cuối đời đương đầu với ma túy. Làm bảo vệ tổ dân phố ở tuổi 50, bà đến từng ngõ ngách bắt ma túy, đánh án cướp giật, hòa giải những trận đánh chém giành địa bàn, nâng đỡ kẻ lầm lỡ, bảo bọc người đói khổ…

Đứng lên từ nỗi đau

Hơn chục năm nay, người dân sinh sống tại khu vực khu phố 6 (phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã quen thuộc với hình ảnh bà Lê Kim Chung (62 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) mặc bộ đồng phục, đeo bảng hiệu bảo vệ tổ dân phố đi tuần tra mỗi sáng. Đặc biệt, từ lâu, bà đã trở thành nơi nương tựa của nhiều mảnh đời lầm lỡ, nghiện ngập.

Tiếng tăm, uy tín từ những cống hiến trong công tác xã hội khiến bà trở thành “thần tượng” của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, khi được hỏi, không mấy ai biết nguyên nhân biến một nữ nghệ sĩ xiếc thành “người đàn bà thép” trên mặt trận chống tệ nạn xã hội.

Bà Lê Kim Chung và một người sau cai nghiện được bà cảm hóa (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bà Chung cho biết: “Trước đây, tôi vốn là nghệ sĩ xiếc, một tay guitar có tiếng chứ không gai góc như bây giờ. Từ khi tham gia tổ bảo vệ dân phố, “máu” chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong tôi lấn át tất cả. Bởi, tôi từng chịu nỗi đau mất con cũng chỉ vì ma túy”.

Bà cho biết, nỗi bất hạnh liên tiếp giáng xuống đời bà bắt đầu bằng sự ra đi mãi mãi của người chồng. Bà kể: “Sau khi chồng tôi mất, tôi ở vậy nuôi con. Nhưng một lần nữa nỗi đau lại ập đến. Khi phát hiện đứa con trai đầu lòng nghiện ma túy, tôi đưa nó đi cai nghiện thì đã muộn. Suốt những năm tháng nó ở trại cai nghiện, một mình tôi tới lui thăm nó.

Đến ngày nó được về, nó nhập vai, dẫn công an đến triệt phá mấy tụ điểm buôn bán ma túy. Chúng nó phát hiện, con tôi lộ danh tính, bị bọn buôn bán ma túy truy sát. Có lần tôi thấy nó bị rạch tay, máu lênh láng trước cửa nhà. Tình hình nguy cấp đến nỗi công an phải túc trực bảo vệ nó trước sự nhăm nhe trả thù của các đối tượng buôn bán ma túy”.

“Tuy nhiên, sự hối hận của nó không kéo dài được lâu. Ít lâu sau, nó lại ngựa quen đường cũ, cũng vì ma túy mà bỏ tôi đi mãi. Đau đớn lắm. Thấm nỗi đau mất con vì ma túy, tôi tự nhủ phải làm gì đó để những người mẹ khác không phải như mình. Tôi quyết định xin gia nhập đội bảo vệ dân phố”, bà Chung cho biết thêm.

Tuy nhiên, vì sự an toàn của bà, lãnh đạo phường không nhận để bà tham gia, dấn thân chống ma túy. Để được chấp nhận, bà bỏ mặc mọi lời bàn tán, khuyên can, quyết dấn thân, tích cực chống tệ nạn, tham gia truy lùng, tố giác tội phạm, ma túy. Trước sự nhiệt huyết cùng khả năng phát giác, khuất phục các đối tượng buôn bán ma túy trong địa bàn, bà được chính quyền phường chấp nhận vào đội.

“Lúc được nhận, tôi vui lắm. Ngay ngày đầu tham gia, tôi đã “lập công”. Trong lúc đi tuần tra, tôi phát hiện một người phụ nữ có nhiều biểu hiện lạ. Ngay lập tức, tôi yêu cầu người này cho kiểm tra vật đang giấu trong tay. Lúc đầu, người này còn van xin, chối tội, nhưng tôi đấu tranh quyết liệt thì chị ta xòe tay ra, lộ nhiều tép ma túy. Sau lần đó, tôi quyết liệt đấu tranh với các đối tượng buôn bán ma túy trong khu vực mà trước đó mình đã nắm bắt, tìm hiểu. Tiếp đến, tôi kiêm luôn việc đưa người nghiện đi cai rồi chăm sóc, giúp đỡ, quản lý những người sau cai”, bà Chung chia sẻ.

Kiên quyết không sống chung với ma túy

Với tinh thần quyết không thỏa hiệp với ma túy, bà Chung luôn tìm cách lần theo dấu vết, truy lùng các đối tượng buôn bán cái chết trắng.

Bà cho biết: “Mỗi khi nghĩ đến cảnh gia đình người khác ly tán, mất con vì ma túy, tôi lại bỏ qua mọi sự sợ hãi, quyết triệt phá cho bằng được. Có lần, tôi phát hiện một đối tượng có biểu hiện rất đáng nghi. Người này giấu mình trong hẻm vắng, cứ đứng nhấp nha nhấp nhổm. Sinh nghi, tôi quyết định bí mật tiếp cận. Khi đến đủ gần, tôi phát hiện đối tượng này đang cố giấu những tép ma túy vào... hậu môn. Tôi lập tức tiếp cận, trấn áp, bắt giữ giao cho công an”.

Mặc dù là phụ nữ nhưng bà Chung cũng nổi tiếng dũng cảm trong việc đấu tranh tấn công tội phạm cướp giật. Bà chia sẻ, trong những lần ra tay bắt trộm cướp, vất vả nhất có lẽ là lần phải nhờ người chở, để đuổi theo bắt cho kỳ được tên trộm. Bà cho biết, đa số những đối tượng cướp giật bị bà bắt đều nghiện ma túy. Do đó, bà càng thấy rõ hơn tác hại khủng khiếp của ma túy. Năm 2005, trong nỗ lực xóa sổ tệ nạn ma túy, bà thành lập câu lạc bộ Lá chắn, tập hợp tất cả phụ huynh trong phường cùng chung nỗi đau có người thân vướng vào tệ nạn ma túy.

Tại đây, bà chia sẻ kinh nghiệm, vận động gia đình có con em sử dụng ma túy đi cai nghiện, tố giác tội phạm. Bà nói: “Tôi từng đến từng nhà tuyên truyền. Khi đến, tôi luôn hòa nhã và coi con cái của họ như con cái của mình. Tôi không bao giờ khinh miệt hay xa lánh người nghiện, thậm chí cả những người nhiễm HIV.

Tôi luôn lấy nỗi đau mình từng trải để làm gương cho các em, khuyên gia đình có con nghiện ma túy phải đưa đi cai, phải kiên quyết tố giác người buôn bán ma túy, kể cả đó là người thân. Đó là cách tốt nhất để đưa các em ra khỏi con đường tự hủy hoại bản thân, hủy hoại gia đình”.

Song song với việc sinh hoạt trong câu lạc bộ, bà Chung tình nguyện cảm hóa các đối tượng ở địa bàn, làm thủ tục đưa họ đi cai nghiện hoặc uống Methadone tại địa phương. Bởi, bà luôn quan niệm, muốn hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phải giúp đỡ, gần gũi những người sau cai nghiện. Khi được giúp đỡ, có công ăn việc làm, những người này sẽ không còn nghĩ đến chuyện buôn bán, hút chích ma túy nữa. Với tấm lòng vừa kiên quyết vừa nhân hậu của mình, từ “kẻ” chuyên đi lùng bắt người bán ma túy, bà được các đối tượng bán ma túy, cướp giật, trộm cắp, du đãng,... cảm mến, gọi bằng má.

Người dân trong khu vực cho biết, bà từng lao ra đường, đương đầu với những tên du đãng, ngăn chặn, hòa giải những cuộc đánh chém vì tranh giành lãnh địa,...

Bà lý giải: “Đa số những người lầm lỡ tôi gặp đều mới đi cải tạo, đi tù về. Khi về, nhiều người không có việc làm, không được gia đình chấp nhận, xã hội xa lánh nên bất đắc dĩ phải đi vào đường cũ. Do đó, mỗi khi có người từng bị tôi bắt, đưa đi cải tạo trở về địa phương, tôi đều tìm cách giúp đỡ. Cách đây vài tháng, tôi vừa cho một anh mượn tiền mua chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm. Trước Tết, anh trả tôi gần hết số nợ, số còn lại tôi không lấy nữa xem như tiền lì xì. Có việc làm, người ta không còn cướp bóc, bán ma túy, bảo kê nữa”.

Tấm gương thầm lặng cao cả

Bà Đàm Kim Phụng, Chủ tịch hội Phụ nữ phường 3 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận định: “Bà Lê Kim Chung là một trong những hội viên tiêu biểu của hội Phụ nữ. Bà không chỉ tích cực tham gia công tác của Hội mà còn tham gia nhiều công tác xã hội khác. Năm vừa qua, bà được tuyên dương trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM lần thứ hai do UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức”.

*Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

Hà Nguyễn

Tin nổi bật