Các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế như Viện Hàn lâm, Bộ Y tế, các bệnh viện lớn,… rất bức xúc khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc mạo danh để tiếp thị, quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng với giá trên trời gây hậu quả về sức khỏe và uy tín.
Mạo danh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để quảng cáo sản phẩm
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin, lợi dụng kẽ hở trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng, thời gian gần đây một số đối tượng đã mạo danh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để quảng cáo sản phẩm với nội dung không chính xác làm ảnh hưởng đến uy tín của Viện Hàn lâm và gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Cụ thể, Viện Hàn lâm cho biết, theo công văn số 2438 ngày 11/6/2018 từ Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) phản ánh có một số trang mạng đăng quảng cáo sản phẩm, trong đó có ghi tên Viện Hàn lâm và địa chỉ chung là 18 Hoàng Quốc Việt. Thực tế, thông tin trên các trang mạng nói trên là không rõ ràng, không thông tin rõ sản phẩm là của đơn vị nào dưới sự quản lý của Viện Hàn lâm.
Nhiều đối tượng đang mạo danh Viện Hàn lâm để quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: Dân Trí |
Trước tình trạng lừa đảo trên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, các thông tin liên quan đến hoạt động của Viện được đăng tải trên website chính thức của Viện và website chính thức của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm. Do đó, Viện Hàn lâm không chịu trách nhiệm về mọi thông tin quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng thuộc các tổ chức, đơn vị không thuộc Viện Hàn lâm, cũng như các cá nhân khác mạo danh Viện Hàn lâm.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị mọi thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm phải nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, tên đơn vị nghiên cứu, địa chỉ liên lạc của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời các hỏi đáp về sản phẩm. Các vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mạo danh bác sĩ Viện Y học cổ truyền để bán thuốc với giá “cắt cổ”
Tương tự, đại diện Viện YHCT Quân đội cho biết, lợi dụng lòng tin của người bệnh, từ cuối năm 2017 tới nay, một nhóm 4 đối tượng ở Bắc Ninh đã mạo danh bác sĩ của Viện Y học cổ truyền (YHCT ) Quân đội và Học viện Quân y để bán thuốc cho người bệnh với giá cắt cổ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Cũng theo đại diện Viện YHCT Quân đội cho biết: "Tháng 3/2018, chúng tôi phát hiện hai đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook với tài khoản Đặng Thanh Hà và Đỗ Huy Đông sử dụng tài liệu được đăng tải trên trang web của Viện YHCT Quân đội và Học viện Quân y để nhằm mục đích bán thuốc chữa bệnh vô sinh và bệnh yếu sinh lý. Qua rà soát hồ sơ, chúng tôi xác định Viện YHCT Quân đội không có bác sĩ nào tên là Đặng Thanh Hà và Đỗ Huy Đông. Ngay sau đó, chúng tôi báo cáo lãnh đạo viện và cơ quan nghiệp vụ cấp trên, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ”.
Những đối tượng đã bị bắt khi mạo danh Viện YHCT Quân đội để bán thuốc. Ảnh: QĐND |
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội (Bộ Quốc phòng) đã tiến hành điều tra, xác minh đường dây mạo danh bác sĩ để bán thuốc này, gồm 4 đối tượng: Tô Tiến Thịnh, sinh ngày 13-8-1993, ở xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Trần Thị Diệp, sinh ngày 2/6/1993, ở xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Đinh Thị Nhụy, sinh ngày 16/9/1982, ở xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Thị Tình, sinh ngày 113//1998, ở xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Ngay sau đó, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh triệu tập 4 đối tượng nói trên. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận quen nhau qua mạng xã hội vào cuối tháng 12/2017. Sau đó, các đối tượng bàn bạc và thống nhất mở cửa hàng tại số 16B, đường Thành Bắc, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh để bán thuốc dưới "mác" của Học viện Quân y và Viện YHCT Quân đội dưới hình thức kinh doanh online.
Để tạo lòng tin với người bệnh, các đối tượng sử dụng hình ảnh lấy trên trang web của Học viện Quân y và Viện YHCT Quân đội đăng tải lên mạng xã hội, đồng thời giới thiệu mình là bác sĩ đa khoa của Viện YHCT Quân đội và Học viện Quân y, nhằm mục đích cho việc bán thuốc. Qua xác minh, các đối tượng khai nhận mua thuốc của Viện YHCT Quân đội và Học viện Quân y với giá từ 90.000 đồng đến 160.000 đồng và bán cho người bệnh với giá từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng.
Từ sự việc này, đại diện Viện YHCT Quân đội khuyến cáo: “Người bệnh không nên mua thuốc trên mạng xã hội. Bởi, theo quy định của Bộ Y tế và Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Tất cả đối tượng nếu xưng danh là bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ của Viện YHCT Quân đội để bán thuốc đều là giả mạo”.
An Dương/ VietQ