Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa cứu người đàn ông (50 tuổi, ở Kiên Giang). Theo lời kể, cách đây 20 năm, bệnh nhân bị hóc xương ống heo, sặc đường thở. Bệnh viện địa phương đã chụp X-quang phổi nhưng không phát hiện mảnh xương.
Người bệnh sau đó liên tục ho ra máu, khạc đàm mủ kéo dài, đến nhiều nơi thăm khám nhưng vẫn không có kết quả. Nguyên nhân là do vị trí mảnh xương rất đặc biệt, nằm khuất sau bóng tim nên X-quang phổi thẳng không phát hiện ra được. Trong nhiều năm qua, người bệnh thường xuyên phải sử dụng kháng sinh, kháng viêm mỗi lần ho ra máu.
Mảnh xương heo được các bác sĩ lấy ra khỏi phế quản bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Gần đây, tình trạng ho ra máu nhiều hơn nên bệnh nhân lên TP.HCM thăm khám ở một bệnh viện lớn. Kết quả X-quang phổi cho thấy có tình trạng viêm phổi sau tắc nghẽn, chụp CT phát hiện 1 mảnh dị vật có tăng sáng rất nhiều.
Các bác sĩ tiến hành nội soi, gắp 2 lần nhưng không thành công, người bệnh được hướng dẫn sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ phát hiện mảnh xương cắm bên phế quản phải, không xác định hình dạng, không thấy đầu nhọn nên phải thăm dò, đến động tác thứ 4 mới gắp được thành công dị vật kích thước 5x7cm.
Được biết, trước đó, các bác sĩ phải đánh giá nguy cơ xương cắm vào các động mạch hay không để kiểm soát tình trạng chảy máu khi nội soi.
“Điểm khó nhất là xương nằm trong phổi 20 năm nên mọc rất nhiều mô hạt, mảnh sắc nhọn cắm sâu vào thành phế quản, kích thuốc dị vật 5x7cm”, VietNamNet dẫn lời ThS.BS Phạm Thị Thanh Vân, khoa Nội soi – Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đây là ca dị vật bị bỏ quên lâu năm nhất được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông thường, dị vật sặc vào phổi sẽ gây ra những cơn ho rất nặng nền, người bệnh không chịu đựng được và phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay. Tuy nhiên, có dị vật nằm yên, bệnh nhân không bị ho nhiều nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến di chứng hậu tắc nghẽn, lúc đó mới lộ ra dị vật bị bỏ quên.
Đinh Kim (T/h)