Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định cụ thể đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô và xe máy như dưới đây:
1. Người điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ những trường hợp sau đây thì được chở tối đa 2 người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu.
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh và xe gắn máy cần phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh và xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:
a) Đi xe dàn hàng ngang.
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ, phương tiện khác.
c) Dùng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
d) Dùng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.
đ) Buông cả 2 tay hoặc đi xe bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh.
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
4. Người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh và xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi dưới đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh.
b) Sử dụng ô.
c) Bám, kéo hoặc đẩy phương tiện khác.
d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Có thể thấy, người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông không được mang, vác các vật cồng kềnh.
Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe máy không được mang, vác các vật cồng kềnh khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa: Pháp Luật TP.HCM
Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
a) Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
b) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về nguyên tắc phạt tiền như dưới đây:
"Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt".
Như vậy, người ngồi đằng sau xe máy mà mang vác vật cồng kềnh khi tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.