Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mả Lạng thành khu đô thị phức hợp hiện đại: Còn không ít băn khoăn

(DS&PL) -

Hơn 1.400 căn nhà, gần 10.000 người dân đang sinh sống trên khoảng 70.000m2 đất tại khu “tứ giác vàng” sẽ phải di dời đi nơi khác.

Hơn 1.400 căn nhà, gần 10.000 người dân đang sinh sống trên khoảng 70.000m2 đất tại khu “tứ giác vàng” sẽ phải di dời đi nơi khác.

Việc di dời này để chuẩn bị cho cuộc “cách mạng”, biến “vùng đất dữ” thành khu đô thị phức hợp hiện đại. Tuy nhiên, việc cuộc “cách mạng” ấy vẫn còn đó nhiều trăn trở, băn khoăn.

Còn nhiều băn khoăn

Khu Mả Lạng được bao trọn bởi các cung đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu và Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM), từng được ví là “vùng đất dữ”. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này đang trên đà chuyển mình, khi các bên liên quan đã có những động thái bước đầu, để biến khu này thành một , sau gần 20 năm “quy hoạch treo”.

Ngày 19/7, PV tìm đến khu vực này để ghi nhận thông tin. Phía mặt tiền các cung đường như: Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi hay Trần Đình Xu hoạt động mua bán, kinh doanh… vẫn diễn ra nhộn nhịp. Riêng đường Cống Quỳnh, ngoài ngôi chợ Thái Bình, tại góc đường giao với Phạm Ngũ Lão, nhiều du khách người nước ngoài ra vào tấp nập càng làm cho con phố trở nên tất bật hơn.

Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong các con hẻm nhỏ, có nơi chỉ đủ cho một người đi bộ là chi chít nhà dân. Nơi đây chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh, tường rêu ẩm mốc, tối đen,... khiến không gian càng chật chội, tù túng.

PV hỏi về kế hoạch di dời khi dự án triển khai, nhiều người tỏ ra vui mừng, cũng không ít người lo lắng.

Bà Trần Thị Hồng đang sống cùng 5 thành viên khác trong căn nhà khoảng hơn 20m2 cho biết: “Họ nói nhiều năm rồi nhưng lần này thấy thông báo dán trên bảng thông tin của khu phố. Chúng tôi cũng đã được mời đi họp. Nhưng, nói chung, chúng tôi vẫn còn lo lắng về chuyện đền bù như thế nào, tái định cư ra sao. Họ phải có kế hoạch rõ ràng để người dân còn nắm bắt, nhất là giá đền bù. Đồng thời, các bên phải tính toán cho thỏa đáng để tránh chuyện o ép người dân”.

Tương tự, ông Vũ Thanh Bình, người lao động tự do đang sinh sống tại đây cũng băn khoăn: “Dự án đã quy hoạch từ lâu lắm rồi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hy vọng dự án sớm triển khai để chúng tôi được yên tâm. Đặc biệt là chính quyền cần phải quyết liệt không để cho ai đó lợi dụng chính quyền o ép chúng tôi”.

Tiết lộ về công tác giải phóng mặt bằng, ông Lương Quý Hòa, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 cho biết: “Phương án đền bù lần 1 được tính toán vào năm 2009 là khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, sau 8 năm, chắc chắn giá đền bù sẽ tăng lên nhưng chưa tính toán cụ thể được. Đây là bước sẽ làm sau, khi thống nhất được các bên, đã hoàn tất việc ban hành quyết định thu hồi đất, điều tra khảo sát, kiểm đếm, thẩm định giá...”.

1.424 căn nhà bị ảnh hưởng bởi quy hoạch.

Liên quan đến dự án tại khu Mả Lạng, cơ quan chức năng cho biết, sẽ có 1.424 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 33 căn của 22 tổ chức. Số còn lại là nhà dân. Được biết, quy hoạch sử dụng đất dự án Mả Lạng gồm các hạng mục như: Khu thương mại dịch vụ 4,57ha, quy hoạch mới bệnh viện Sài Gòn 1ha, khu nhà tái định cư 0,77ha...

Cuối năm 2017 sẽ công bố giá đền bù cụ thể...

Bên cạnh các lo lắng trên, nhiều người dân còn tỏ ra nghi ngại về sự minh bạch trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Hồ Minh Ánh, một cư dân tại phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) cho biết, ông đã từng bị giải tỏa trắng để nhường đất cho doanh nghiệp bất động sản xây khu thương mại Đồng Khởi.

“Vậy có hay không lợi ích nhóm trong việc và giải tỏa để cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân, cổ phần hóa tiếp tục bê tông hóa nội thành bằng những tòa nhà cao tầng. Riêng Trưởng ban Đền bù giải tỏa khu đất tứ giác Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ vào năm 2010 ăn chênh lệch 10 tỷ đồng và đã bị bắt. Do vậy, người dân khu Mả Lạng phải được thông báo chi tiết, minh bạch. Nhà đầu tư phải trực tiếp gặp và thỏa thuận với từng chủ hộ”, ông Ánh khuyến nghị.

Người dân khu Mả Lạng phải được thông báo chi tiết, minh bạch. Nhà đầu tư phải trực tiếp gặp và thỏa thuận với từng chủ hộ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bức xúc về việc dự án bị “treo” trong nhiều năm nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoàng Tính, người dân sống trong hẻm, đường Cống Quỳnh (quận 1) cho biết: “Hơn 10 năm, dự án làm lỡ nhịp cuộc sống của người dân khu Mả Lạng nói riêng và sự phát triển của TP. nói chung mà chẳng có cán bộ, công chức nào bị kỷ luật. Chuyện này có nên xem là chuyện bình thường?”.

Trước những bức xúc trên, trong cuộc họp với người dân để phổ biến thông báo thu hồi đất tại dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) vừa qua, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM đã xin lỗi về sự chậm trễ này.

Ông Hải cho biết: “Thay mặt lãnh đạo, chính quyền quận 1, tôi gửi lời xin lỗi đến toàn thể bà con ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vì đã để dự án bị treo nhiều năm. Từ đây đến tháng 9/2017, quận và chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ”.

Ông Hải cũng khẳng định, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ, quận sẽ đề nghị TP. loại nhà đầu tư này ra khỏi dự án. Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2000, TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng để thực hiện quy hoạch chỉnh trang thành khu đô thị và giao cho tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên, dự án vẫn nằm yên. Do đó, đến năm 2007, UBND TP.HCM lại giao cho công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thực hiện.

Về phía chính quyền quận 1, ông cũng cho biết: “Dự kiến, cuối năm 2017 sẽ công bố mức giá đền bù cho người dân cụ thể. Việc thẩm định giá đền bù sẽ tính theo giá thị trường, dựa trên giao dịch mua bán nhà trong khu vực và có cơ quan chức năng chứng nhận. Công việc này sẽ thực hiện minh bạch, công khai cho người dân nắm”.

Từng "nổi tiếng" về nhiều tệ nạn xã hội

Về địa danh Mả Lạng, PGS.TS Lê Trung Hoa, chuyên gia về địa danh học tại TP.HCM cho biết: “Mả Lạng có dạng gốc là Mả Loạn. Những ngôi mộ bị bỏ hoang, những cái giếng không dùng nữa thì gọi là mả loạn, giếng loạn. Khu dân cư tại phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), có trên 10 ngôi mộ không ai chăm sóc nên gọi là khu mả loạn. Sau này, 2 từ này bị nói và viết chệch thành Mả Lạng. Nơi đây từng “nổi tiếng” với việc mua bán, sử dụng “cái chết trắng” và nhiều tệ nạn xã hội khác”.

Thanh Tùng

Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

Tin nổi bật