(ĐSPL) - Lộ trình tiến tới tự do hóa thị trường tài chính giúp các ngân hàng đẩy mạnh mua bán và sáp nhập (M&A). Liệu con số 39 xuống còn 15 ngân hàng vào năm 2017 có thực sự khả thi và mang lại nhiều lợi ích như mong đợi?.
Sáp nhập sẽ sôi động và là xu thế tất yếu
Đề án 254 của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đưa ra, nhằm sáp nhập hợp nhất giảm bớt đi số lượng ngân hàng trong nước từ 39 xuống còn 15 ngân hàng, mục đích chính là tăng quy mô và chất lượng hoạt động. Do đó, từ nay đến năm 2017, việc mua bán sáp nhập ngân hàng (M&A) sẽ diễn ra hết sức sôi động.
Năm 2013, thị trường tài chính đã chứng kiến các thương vụ M&A của ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Phương Tây (WesternBank) về cùng một nhà với Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) thành ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank).
Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP. HCM (HDBank) mua công ty tài chính SGVF của Pháp và sáp nhập ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vào HDBank.
85\% cổ phần của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (TrustBank) được một nhóm nhà đầu tư mới mua lại và đổi tên thành ngân hàng Xây dựng Việt Nam, UOB của Singapore đang trong quá trình tìm hiểu ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Trong năm 2014, thị trường tài chính đang đợi chờ sự “hợp hôn” của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) .
Nhận định về xu thế M&A, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Cấn Văn Lực cho rằng : “Xu thế sáp nhập, mua bán, đang diễn ra khá sôi động trong thời gian vừa qua. Theo tôi, xu thế này sẽ còn tiếp tục không chỉ năm nay mà trong cả thời gian sắp tới và nó hoàn toàn khả thi. Thực tế trong những năm qua đã có nhiều thương vụ sáp nhập và sau khi sáp nhập thì khá ổn định, đến thời điểm hiện tại thì nó được coi là khá thành công”.
Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, 39 chỉ là số lượng ngân hàng quốc doanh, còn trên thực tế có tới trên 100 ngân hàng. Bao gồm, ngân hàng có yếu tố nhà nước chi phối, ngân hàng cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cả ngân hàng 100\% sở hữu vốn của ngân hàng mẹ bên kia. Việc đẩy mạnh M&A để rút xuống còn vài chục ngân hàng lớn mạnh là điều cần thiết.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay hệ thống ngân hàng quá đông, việc giảm số lượng làm chất lượng ngân hàng tăng vì vốn tăng lên. Đồng thời, mỗi ngân hàng sẽ quản trị theo đúng nghĩa là một ngân hàng đại chúng, có cơ cấu hợp lý hơn, hoạt động bài bản hơn và nắm vững thị phần hơn. Ngoài ra, sẽ tránh được việc cạnh tranh, hạ lãi suất để chiếm lĩnh khách hàng từ đó xảy ra tình trạng phá rào. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu nên nên tập trung vào một số ngân hàng thực sự có khả năng.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc đẩy mạnh M&A, thứ nhất nằm trong chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai các ngân hàng cũng muốn hợp nhất để mạnh hơn, cạnh tranh được trong nước, đó là xu thế tất yếu. Thứ ba khi chúng ta mở cửa, lại nối room cho nước ngoài, cho cả ngân hàng, cả doanh nghiệp thì rõ ràng các nhà đầu tư ngoại vào thị trường ngân hàng chúng ta sẽ nhiều lên, chưa kể đây là thị trường rất tiềm năng, dân số Việt Nam rất trẻ, trong khi số lượng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng khoảng 22\%, đây là con số rất ít so với khu vực.
Nợ xấu, sở hữu chéo cản trở M&A
Vấn đề đặt ra, khi các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc M&A là việc sở hữu chéo hiện nay khá phức tạp, bên cạnh đó tình trạng nợ xấu cũng đang là bài toán cần thời gian để tháo bỏ giúp mở rộng con đường hợp nhất, chuyển mình nhanh hơn.
Nhiều chiến lược xử lý sở hữu chéo đã được đề ra và đang đẩy mạnh thực hiện, nhưng câu hỏi cần quan tâm là thực hiện liệu có dứt điểm và thực hiện trong thời gian bao lâu. Nếu xử lý kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thị trường tài chính, cản trở các nỗ lực chính sách và cản trở việc giải quyết có hiệu quả vấn đề nợ xấu.
Điển hình về sở hữu chéo có thể kể tới là Ngân hàng SHB, hai doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VNR) đều nắm 4,09\% vốn điều lệ, là hai cổ đông lớn nhất. Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển chỉ nắm 3,01\% vốn điều lệ nhưng nếu tính cả những người có liên quan tới ông Hiển thì tổng tài sản ông Hiển đang kiểm soát tại SHB lên tới 13,94\% cổ phần của ngân hàng này.
Thời gian qua qua, báo chí cũng đã đề cập đến việc sở hữu chéo của gia đình ông Trầm Bê tại cả Southern Bank vào Sacombank, khi hai ngân hàng này chuẩn bị M&A.
Ông Trầm Bê là cổ đông lớn nắm giữ 8,36\% cổ phần Southern Bank, vượt trần sở hữu cho phép 5\% đối với một cá nhân tại một tổ chức tín dụng. Hiện con trai ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân (Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank) nắm giữ 4,42\% cổ phần, con gái Trầm Thuyết Kiều (giữ chức Phó TGĐ) nắm 7,36\% và con rể Lê Trọng Trí nắm 0,67\%. Tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Trần Bê tại Southern Bank vượt tỷ lệ 20\% cho phép.
Tại Sacombank, ông Trầm Bê, hiện là Phó chủ tịch HĐQT. Tổng tài sản sở hữu của gia đình ông Trần Bê tại ngân hàng này là 84,2 triệu cổ phần, chiếm 6,78\% vốn điều lệ. Việc sở hữu chéo nhận định chung sẽ gây khó khăn cho các các ngân hàng khi sáp nhập, nhưng theo đánh giá, khi Southern Bank hợp nhất với Sacombank sẽ giúp gia đình ông Trầm Bê, xóa được tiếng sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu trả lời báo Pháp Luật TP HCM cho biết: “Vấn đề sở hữu chéo ở Việt Nam vô cùng phức tạp. Nhưng không có cách nào khác là phải dần dần tháo bỏ, làm cho hệ thống lành mạnh hơn. Những cái làm lũng đoạn thị trường, khuynh đảo thị trường phải loại bỏ. Nếu không tháo gỡ được mớ bòng bong đó thì mọi thứ sẽ càng ngày càng nhiêu khê. Những chiến lược để xử lý sở hữu chéo, nợ xấu… đã được thấy rõ song vấn đề của chúng ta hiện nay là phải mạnh dạn, rút ngắn thời gia”.
Hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nghành ngân hàng đã bước gia đoạn khó khăn với những nỗ lực tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu. Việc M&A sẽ tiếp tục sôi động, giúp cho các ngân hàng tập trung vốn, đẩy mạnh được quy mô, chất lượng hoạt động, tránh được rủi ro để đứng trước cơ hội chuyển mình cùng sự phục hồi của nên kinh tế.
Anh Sa
Xem thêm Clip: Ngân hàng âm lãi suất là điều hết sức bình thường: