Phía Nhật Bản cho biết, nước này mong muốn lấy lại chuỗi đảo do Nga kiểm soát trong Thế chiến II trước khi hai bên ký hiệp ước hòa bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ảnh: Sputnik |
Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) được tổ chức tại thành phố Vladivostok, Nga, ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản trong năm nay mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, theo Japan Times.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong phiên họp toàn thể của EEF rằng việc Nga và Nhật chưa ký hiệp định hòa bình sau Thế chiến II là "tình trạng không bình thường".
Đáp lại, Tổng thống Putin tái khẳng định hai quốc gia quyết tâm ký kết hiệp định hòa bình, đồng thời nhấn mạnh hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi để cùng phát triển trong khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cũng cho biết nước này sẵn sàng đàm phán ngay lập tức với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình giữa hai nước, vốn đã được kỳ vọng từ rất lâu.
"Chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng điều này còn phụ thuộc vào những người bạn Nhật Bản của chúng ta. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán ngay lập tức", ông Morgulov phát biểu, đồng thời khẳng định những nỗ lực hướng tới hiệp ước hòa bình song phương vẫn đang diễn ra và chưa bao giờ dừng lại.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này sau đó, Thư kí Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga lại khẳng định rằng, quan điểm của Tokyo không thay đổi, đó là phải giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền trước khi kí bất kì hiệp ước hòa bình nào với Nga.
Chủ quyền quần đảo Kuril, thuộc vùng Sakhalin là nguyên nhân Nga và Nhật bản chưa kí hiệp ước hoà bình sau Thế chiến II. Kuril bao gồm 4 đảo nhỏ là Shikotan, Khabomai, Iturup và Kunashir, vốn được Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phía bắc.
Tháng 9/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng trong Thế chiến II và đến tháng 2/1946, Liên-xô đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Trong thời kì Chiến tranh lạnh, Moscow thậm chí còn không coi đây là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Chỉ đến tháng 10/1993, khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin thăm chính thức Nhật Bản, ông mới thừa nhận đây là vấn đề chung giữa 2 nước.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)