(ĐSPL) – Những vụ cưỡng hiếp tập thể liên tiếp trong thời gian gần đây ở Ấn Độ cho thấy một thực trạng phụ nữ Ấn Độ dễ trở thành nạn nhận của các tội phạm tình dục.
Gần một tuần trôi qua kể từ khi hai bé gái người Dalit (14 và 15 tuổi) bị cưỡng hiếp tập thể tại ngôi làng nhỏ bé Katra, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Một số chính trị gia và các quan chức chính phủ đã đến chia buồn và hỗ trợ tài chính cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, gia quyến đã từ chối nhận tiền.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, ngày 27/5, hai bé gái là chị em họ đã mất tích sau khi đi vào cánh đồng. Ngày hôm sau, truyền thông nước này chiếu cảnh dân làng tụ tập xung quanh nơi hai bé gái bị treo cổ trên cây xoài và ngăn cản các nhà chức trách hạ thi thể xuống cho tới khi những thủ phạm bị bắt giữ. Cuộc khám nghiệm tử thi chỉ ra rằng, hai nạn nhân đã bị cưỡng hiếp tập thể trước khi bị treo cổ trên cây. Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ hai cảnh sát và hai người đàn ông cùng làng. Họ cũng đang truy tìm ba kẻ tình nghi khác.
|
Những vụ hiếp dâm gần đây đã dấy lên làn sóng biểu tình khắp Ấn Độ |
Nhiều vụ hiếp dâm đã xảy ra ở quốc gia Nam Á này trong những năm qua nhưng vụ cưỡng hiếp tập thể vừa qua đã cho thấy mỗi liên quan giữa địa vị xã hội và tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ngày càng tăng.
“Liệu có chút công bằng nào cho những người dân thuộc tầng lớp thấp trong xã hội như chúng tôi hay không? Chúng tôi luôn phải sống và bị đối xử như loài vật hay sao?” Lilawati, một người hàng xóm của các bé gái bị hãm hiếp, nói.
Cha của một nạn nhân đứng lặng lẽ trong góc tường của ngôi nhà đổ nát. Ông chỉ mở miệng khi tranh cãi về vấn đề có thể tìm được sự công bằng trong vụ án xảy ra với con gái mình hay không.
“Hai cảnh sát cũng là hung thủ. Tôi mong muốn các nhà chức trách sẽ bắt giữ chúng nhưng họ không lắng nghe nguyện vọng của tôi. Công bằng không dành cho chúng tôi. Hai đứa trẻ bị đối xử chẳng khác nào loài súc vật vậy”, ông nói với DW và khẳng định thêm, nếu cảnh sát phản ứng nhanh hơn sau khi con gái ông mất tích thì con gái ông có thể đã được cứu sống.
Hàng loạt vụ cưỡng hiếp tập thể
Những vụ hiếp dâm gần đây đã dấy lên làn sóng biểu tình khắp Ấn Độ về vấn đề bạo lực tình dục. Vấn đề an toàn của người phụ nữ trong quốc gia này đã trở thành tâm điểm quốc tế kể từ vụ nữ sinh viên 23 tuổi đã bị hiếp dâm tập thể và giết hại trên xe buýt ở thủ đô New Delhi năm 2012.
Các nhà chức trách cho biết, khoảng 25 nghìn vụ hiếp dâm xảy ra mỗi năm tại quốc gia 1,2 tỷ dân này. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, con số này vẫn còn thấp hơn thực tế bởi nhiều nạn nhân nữ thường chịu áp lực từ phía gia đình hoặc cảnh sát nên không dám lên tiếng.
Số liệu thống kê chỉ ra những người phụ nữ Dalit bị quấy rối, cưỡng hiếp và thậm chí bị giết hại cho thấy, mọi thứ không có gì thay đổi nhiều mặc dù Ấn Độ quan tâm đến các vụ án hiếp dâm nhiều hơn trước.
“Rõ ràng, tình trạng phân biệt địa vị xã hội được biết đến là việc sử dụng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và bé gái người Dalit để trừng phạt họ, khẳng định quyền lực hay đơn giản là giải quyết những tranh chấp cá nhân”, Ranjana Kumari đến từ Trung tâm Nghiên cứu Xã hội nói với DW.
|
Một thiếu nữ 17 tuổi đã bị cưỡng hiếp tập thể ở huyện Azamgarh ngày 30/5 |
Bạo lực bắt nguồn từ chế độ phân biệt đẳng cấp
Người Dalit chiếm 21\% trong 200 triệu người sống tại bang Uttar Pradesh.
“Phụ nữ Dalit dễ trở thành nạn nhân của các tội phạm tình dục hơn những nhóm người khác. Họ cảm thấy bất an hơn và phải đối mặt với tình trạng bạo lực cấu trúc xã hội”, Kalpana Kannabiran, giám đốc Ủy ban Phát triển Xã hội, nói với DW. Kalpana cho biết thêm, chế độ đẳng cấp cho phép tội phạm tiếp diễn mà không bị trừng phạt.
Vrinda Grover, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền cho phụ nữ, cảm thấy hầu như không có sự thay đổi nào diễn ra tại vùng đất này. Luật sư Grover đang hoạt động trong phong trào kêu gọi thắt chặt các điều luật chống cưỡng hiếp ở Ấn Độ.
“Hãy nhìn những người phụ nữ và bé gái Dalit chịu đựng các cuốc tấn công tình dục thường xuyên. Tuy nhiên, một số người vẫn nói rằng địa vị đẳng cấp xã hội không phải là vấn đề ở Ấn Độ. Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy xấu hổ”, Grover nói với DW.