Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lý do TAND TP.Hà Nội hoãn xét xử vụ cựu công an cho vay lãi nặng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Qua quá trình xét hỏi tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ tài liệu đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa nên quyết định hoãn phiên tòa.

Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 1/11, sau hai ngày xét xử, TAND TP.Hà Nội đã tạm hoãn phiên tòa xét xử hai cán bộ công an ở Hà Nội cho vay lãi nặng, đánh bạc dưới hình thức ghi số lô đề.

Qua quá trình xét hỏi tại phiên toà, HĐXX nhận thấy cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ tài liệu đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên toà nên quyết định hoãn phiên tòa.

Được biết, bị cáo Hoàng Văn Hoan (33 tuổi, cựu cán bộ Công an phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cùng vợ là Quách Thị Thơm (34 tuổi, ở Đan Phượng) bị truy tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Bị cáo Nguyễn Sơn Thành (40 tuổi, cựu cán bộ Công an phường Minh Khai) bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Tổ chức đánh bạc. Bốn bị cáo còn lại bị truy tố về tội Đánh bạc, gồm Đỗ Mạnh Dương (40 tuổi, ở Cầu Giấy), Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi, ở Hoàn Kiếm), Lê Đức Lợi (40 tuổi, ở Cầu Giấy) và Mai Thị Khanh (52 tuổi, ở Nam Từ Liêm).

Theo cáo buộc, khoảng năm 2011, bị cáo Hoan lập tài khoản Facebook tên "Vượng Phát", quảng cáo là dịch vụ cho vay tài chính. Người này cùng vợ là bị cáo Thơm bàn bạc, thống nhất cho các cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an vay tiền để thu lãi cao.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Trước khi cho vay, bị cáo Hoan sẽ tìm hiểu thông tin của cán bộ, chiến sĩ vay tiền xem có đủ điều kiện vay không. Việc kiểm tra thông qua xác minh tại các đơn vị nơi công tác, học tập của cán bộ, chiến sĩ đi vay tiền và dựa trên thông tin của giấy tờ mà người vay đặt cho Hoan.

Nếu đảm bảo đủ điều kiện vay, bị cáo Thơm sẽ trực tiếp đứng ra giao dịch, còn bị cáo Hoan không trực tiếp đứng ra giao dịch vì sợ gặp phải người quen, làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp.

Vợ chồng cựu cán bộ công an cho vay với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày; người vay phải đóng lãi 10 ngày/lần thông qua tài khoản ngân hàng của bị cáo Hoan hoặc đưa trực tiếp cho bị cáo Thơm, theo thông tin trên VietNamNet.

Bị cáo Hoan áp đặt điều kiện vay là cán bộ, chiến sĩ công an phải để lại thẻ ngành hoặc giấy tờ liên quan của ngành công an. Để tránh bị cơ quan pháp luật phát hiện, bị cáo Hoan và Thơm đã cho người vay viết giấy nhận tiền để mua hộ xe máy và viết số tiền trong giấy cao hơn so với số tiền thực tế cho vay.

Khi giao tiền, bị cáo Thơm giữ lại luôn tiền lãi 10 ngày đầu, rồi mới giao phần tiền vay còn lại cho người vay.

Năm 2017, bị cáo Hoan rủ đồng nghiệp là bị cáo Thành “làm ăn chung”. Bị cáo Thành không đồng ý chung vốn với bị cáo Hoan nhưng thống nhất khi nào bị cáo Hoan cần, anh ta sẽ cho vay với lãi suất 1.000 đồng/triệu/ngày.  

Báo Dân Trí đưa tin, từ năm 2016 đến năm 2019, vợ chồng bị cáo Hoan đã dùng 3,6 tỷ đồng cho vay lãi suất cao, bao gồm 1,9 tỷ đồng vay của Thành để cho vay lại. Qua đây, vợ chồng bị cáo Hoan thu lợi hơn 900 triệu đồng.

Cơ quan điều tra làm rõ, có 66 cán bộ chiến sỹ công an và 1 người dân vay tiền của Hoan. Trong đó, có 51 người vay lãi 5.000 đồng/triệu/ngày (182%/năm); 1 người vay lãi 4.000 đồng/triệu/ngày (146%/năm); 1 người vay lãi 2.000 đồng/triệu/ngày (73%/năm).

Ngoài ra, có 4 trường hợp được vay không lãi suất; 10 người khác có vay nhưng đã xuất ngũ nên chưa thể làm rõ.

XEM THÊM: Hai cựu cán bộ công an ở Hà Nội hầu tòa vì cáo buộc cho vay lãi nặng và đánh bạc

Quá trình điều tra vụ án cho vay nặng lãi, cơ quan tố tụng đã phát hiện và xác định bị cáo Nguyễn Sơn Thành tổ chức đánh bạc thông qua hình thức ghi lô đề trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Bị cáo Thành tổ chức đánh bạc hơn 777 triệu đồng và thu lợi bất chính 144 triệu đồng.

Nhóm bị cáo còn lại bị xác định là những người chuyển các tin nhắn số lô, đề, lô xiên đến cho bị cáo Thành.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, tại phiên tòa các bị cáo Thành, Dương và Lợi đề nghị thay đổi kiểm sát viên vì cho rằng kiểm sát viên của vụ án đã không thực hiện đúng chức năng quy định, không khách quan.

Bị cáo Thành cho biết tháng 9/2022, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Khi điều tra lại thì bị cáo nhận thấy nội dung VKS yêu cầu điều tra lại không đầy đủ, ảnh hưởng quyền lợi bị cáo.

Hai bị cáo Dương và Lợi cũng đồng ý kiến với bị cáo Thành và cho biết khi điều tra lại các bị cáo không được gọi hỏi, trình bày gì, chỉ được gọi lên để ký kết luận điều tra bổ sung.

Cũng tại phiên tòa này, bị cáo Dương, Lợi đều cho rằng bị ép cung, ép phải nhận những gì không làm.

Đại diện VKS lại cho rằng đã yêu cầu điều tra bổ sung toàn bộ nội dung theo văn bản của tòa án. Về yêu cầu thay đổi kiểm sát viên của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng đã thực hiện đúng quy định pháp luật, kiểm sát hoạt động của cơ quan điều tra, kiểm sát xét xử và tự thấy bản thân không có vi phạm.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật