Tổng thống Nga Putin vẫn im lặng trước sự khẩn cầu từ phía lực lượng ly khai , khi lực lượng này đã bị quân đội đánh bật khỏi hàng loạt thành phố ở miền đông Ukraina.
Sự im lặng của Putin
Cuộc chiến tại Ukraina những ngày qua liên tiếp chứng kiến những diễn biến mang tính bước ngoặt. Các lực lượng chính phủ Ukraine kể từ ngày 5/7 liên tiếp đánh bật lực lượng ly khai khỏi các thành phố quan trọng ở miền Đông, đặc biệt là Slavyansk, nơi được coi là thành trì của lực lượng này.
Ba tuần trước các chuỗi sự kiện này, lãnh đạo lực lượng nổi dậy đã khẩn thiết yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự.
Nhân vật có tên là Igor Girkin, được biết đến với tên gọi Strelkov, tuyên bố: "Trong một, hai hoặc ba tuần hay có thể là trong một tháng, những chiến binh tinh nhuệ nhất của quân nổi dậy sẽ đổ máu, và sớm hay muộn, sẽ bị đè bẹp và nghiền nát".
Tuy nhiên, lời kêu gọi này chỉ nhận được sự im lặng từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và vào ngày 5/7, đúng như những gì Girkin dự đoán, lực lượng nổi dậy buộc phải từ bỏ Slaviansk sau các trận pháo kích dồn dập và bị tấn công bằng xe tăng, xe bọc thép với bộ binh đi cùng.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Hôm 22/5, Hội đồng Tối cao của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng quyết định kêu gọi Nga công nhận độc lập của vùng lãnh thổ hiện thuộc Ukraina này. Ngày 11/6, "Cộng hòa Nhân dân Lugansk" (LPR) tự xưng cũng công bố một bản tuyên bố gửi tới Nga và 14 nước khác, trong đó kêu gọi công nhận độc lập của LPR. Không đợi đến lúc bị quân chính phủ tấn công quyết liệt lực lượng ly khai mới cầu cứu Nga. Hồi cuối tháng Tư, Vyacheslav Ponomaryov, thủ lĩnh lực lượng biểu tình ủng hộ Nga tại Slaviansk đã kêu gọi Moskva triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây sau vụ nổ súng đẫm máu vi phạm lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh. Ông Ponomaryov tuyên bố chỉ nước Nga mới có thể bảo vệ thành phố này và kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin đưa lực lượng giữ gìn hòa bình vào các khu vực Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraina.
|
Lực lượng ly khai tại Slavyansk ngày 16/4. |
Ngoài việc phớt lờ những lời khẩn cầu từ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina, Tổng thống Nga Putin cùng đội ngũ của ông liên tiếp có các hành động mang tính nhượng bộ khác. Trong vài tuần qua, ông Putin đã rút hầu hết lực lượng quân đội đang đồn trú tại các khu vực giáp giới với Ukraine, yêu cầu Quốc hội hủy bỏ nghị quyết cho phép sử dụng quân đội tại Ukraina.
Phía Nga cũng hứa hẹn tham gia các giải pháp ngoại giao cùng phương Tây. Moskva cũng đã tỏ dấu hiệu sẽ siết chặt kiểm soát các khu vực giáp giới, cánh cửa mà Ukraine cho là đã giúp quân nổi dậy nhận các hỗ trợ quân sự.
Khi ông Putin đã đạt mục đích
Có ý kiến cho rằng ông Putin đang muốn làm lắng dịu cuộc khủng hoảng tại Ukraina để tránh các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây và giảm thiểu các mối đe dọa phát sinh trong bối cảnh khu vực biên giới đầy bất ổn. Ngoài ra, ông Putin đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraina mà không tổn hại tới uy tín hay sự ủng hộ đối với mình.
Trong cuộc gặp các đại sứ Nga hồi tuần trước, Tổng thống Putin đã nhắc lại rằng ông có trách nhiệm phải bảo vệ những người nói tiếng Nga tại nước ngoài "bằng mọi cách - từ chính trị, kinh tế cho tới các chiến dịch cụ thể, theo luật nhân đạo quốc tế và quyền phòng vệ chính đáng". Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng ông rất muốn tìm cách giảm nhiệt căng thẳng tại Ukraina. Ông Putin công khai bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ra các thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái của Nga.
|
Các tay súng ly khai kiểm soát thành phố Slavyansk. |
Khi Slaviansk thất thủ, không chỉ ông Putin im lặng mà các quan chức cấp thấp hơn trong chính phủ Nga cũng tránh đề cập tới sự kiện này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ tập trung vào các vấn đề nhân đạo và mức độ nghiêm trọng của chiến dịch quân sự vừa qua. Không chỉ vậy, Nga cũng tỏ dấu hiệu tích cực bằng các cam kết tham gia đàm phán sau khi tham dự hội nghị mới nhất do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chủ trì về việc chấm dứt bạo lực tại miền đông Ukraina
Phải chăng Nga thực sự lo sợ trước các đòn trừng phạt của phương Tây? Phải chăng Nga không có đủ thực lực để tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai tại Ukraina?
Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra và lý giải khác nhau cho sự im lặng của ông Putin. Tuy nhiên, có một lý do cũng rất thuyết phục mà giới phân tích đưa ra là cho tới nay, Putin đã đạt được những gì mình muốn tại Ukraina.
|
Một bức ảnh đăng tải trên chuyên trang Bình luận quân sự của Nga về tình hình Ukraine ngày 5/7. |
Tổng thống Poroshenko đã đề xuất kế hoạch hòa bình, bao gồm các cam kết phân bớt quyền lực cho các chính quyền địa phương, như các tỉnh nổi dậy là Donetsk và Luhansk, cho phép các khu vực này thiết lập quan hệ kinh tế và chính trị với Moskva. Kế hoạch cũng đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người nói tiếng Nga, một trong những yêu cầu chủ yếu của phía Nga và những phần tử ly khai trong suốt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Kế hoạch này đem đến cho Moskva cơ hội duy trì tầm ảnh hưởng nhất định tại Ukraina, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ và là nơi mà nhiều người coi là cái nôi của nền văn minh Nga.
Tổng thống Putin cũng đạt được một trong những nhượng bộ quan trọng nhất là cam kết của giới lãnh đạo Kiev từ bỏ việc tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Tổng thống Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Moskva sẽ không cho phép Ukraina tham gia liên minh từng được coi là cựu thù thời Chiến tranh Lạnh với Nga bởi hành động này có thể làm nảy sinh quá nhiều nguy cơ an ninh.
Dù im lặng trước những lời khẩn cầu và thất bại liên tiếp của lực lượng ly khai tại miền đông Ukraina, song trên thực tế ông Putin vẫn muốn và đủ khả năng duy trì khủng hoảng ở một mức độ cần thiết, đủ để gây lo ngại cho giới lãnh đạo thân phương Tây mới tại Ukraina.