Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 18/7 và rạng sáng 19/7, vùng áp thấp (suy yếu từ cơn bão số 1 - bão Talim) tiếp tục suy yếu và tan dần ở khu vực các tỉnh Việt Bắc.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 1 là cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc.
Cường độ cực đại của bão số 1 đạt cấp 12, giật cấp 15, trước khi đổ bộ vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau khi quét qua phía Bắc của bán đảo Lôi Châu, bão số 1 suy yếu dần.
Tới sáng 18/7, bão vượt qua bán đảo Lôi Châu đi men dọc theo đất liền Trung Quốc. Khi đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bão đi dọc biên giới Việt - Trung. Đến chiều 18/7, bão số 1 suy yếu thành vùng áp thấp.
Chiều 18/7, bão số 1 - bão Talim đã suy yếu thành vùng áp thấp. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
Về hướng di chuyển của bão số 1, ông Lâm chia sẻ thông thường bão, áp thấp nhiệt đới do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối. Với bão số 1, chủ yếu do áp cao cận nhiệt đới ở khoảng mực 5km chi phối.
Tùy mức độ phát triển và mở rộng của áp cao cận nhiệt đới về phía Tây mà bão số 1 sẽ có hướng và tốc độ di chuyển khác nhau.
Kịch bản thứ nhất là nếu áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây với cường độ trung bình, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng.
Kịch bản thứ 2 là nếu cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây mạnh, bão sẽ di chuyển lệch về phía Nam nhiều hơn và đi vào khu vực phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Kịch bản thứ 3 là trong trường hợp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão sẽ di chuyển lệch Bắc nhiều hơn và đi vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Với kịch bản trên, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình nên gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều, tác động của bão cũng nhẹ nhất. Đây là một trong những kịch bản mà cơ quan khí tượng đã lường tới khi bão mới hình thành.
Trong số 3 kịch bản, kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất, cũng là kịch bản sẽ có tác động xấu nhất. Đây là kịch bản đã từng xảy ra trong trường hợp cơn bão số 2 (Rammasun) đổ bộ vào Bắc Bộ năm 2014, cũng là một năm El Nino.
XEM THÊM: Tin tức dự báo thời tiết hôm nay 19/7: Cả nước mưa dông
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 sáng 17/7 do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Tổng cục Khí tượng thủy văn đưa ra nhận định sau khi bão vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ hướng thẳng vào khu vực giữa Quảng Ninh - Hải Phòng (xác suất 80%). Do đây là cơn bão mạnh và có hoàn lưu rộng nên phạm vi ảnh hưởng bao trùm cả Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
"Tuy nhiên cũng có phương án (khả năng thấp) là bão đi lệch lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và sau đó men dọc theo đất liền Trung Quốc thì mưa, với phương án này thì tác động mưa gió ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam sẽ ít hơn", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Khiêm.
Từ thực tế diễn biến ngày 18/7, có thể thấy bão số 1 di chuyển giống với kịch bản có khả năng thấp mà cơ quan khí tượng của Việt Nam đã nhận định. Do nằm cách xa tâm bão khoảng 60-80 km, một số khu vực ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn ghi nhận gió giật cấp 6-7. Mưa khu vực Đông Bắc không quá to. Đến 21h ngày 18/7, các tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại do mưa, bão số 1.
Hình ảnh dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có thể sắp hình thành thêm bão ở vùng biển ngoài khơi Philippines. Ảnh: NICT/ Dân Trí
Trong diễn biến liên quan, ông Lâm cho biết trên báo Dân Trí, trên dải hội tụ nhiệt đới hình thành bão số 1 vừa qua đã hình thành thêm các vùng xoáy thấp mới. Trong đó, một vùng áp thấp hình thành sáng 18/7 khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão trong những ngày tới. Chuyên gia nhận định đây có thể là cơn bão số 2 xuất hiện trên Biển Đông trong năm nay và ảnh hưởng đến thời tiết nước ta vào giai đoạn cuối tháng 7.
Theo dự báo của Windy, vùng áp thấp khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi Philippines trong ngày 19-20/7. Mô hình dự báo sau khi mạnh lên thành bão, hình thái này di chuyển vào Biển Đông trong khoảng ngày 24/7.
Trước mắt, người dân miền Bắc vẫn cần đề phòng mưa dông xuất hiện do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 1, theo thông tin trên báo Dân Trí.
Người dân cần đề phòng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, trung du, đặc biệt là các địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang và Thái Nguyên.
Ngoài ra, lũ trên các sông suối lên nhanh có thể gây ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bãi, bờ.
Đinh Kim (T/h)