Từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%). Trước thềm lương tăng, nhiều người tiêu dùng có tâm lý buồn, lo lẫn lộn. Thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy ra trước tăng lương, thậm chí mức tăng giá hơn cả mức tăng lương, đó là tiền lệ xấu của thị trường.
Việc giá cả hàng hóa tăng còn đẩy lạm phát tăng, ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế trước đó, giai đoạn 1986 - 1992 sau khi cải cách tiền lương, mức lạm phát của nước ta đã tăng lên 774,7%. Đến kỳ tăng lương tháng 7/2018, điều chỉnh lương cơ sở từ mức 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% và chỉ số lạm phát tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước.
Lương tăng, giá cả hàng hóa có tăng?
Tạp chí VnBusiness dẫn lời bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đã có trả lời về lo ngại tăng lương cơ sở ảnh hưởng tới lạm phát. Theo bà Oanh, chỉ số CPI và tăng lương tác động qua lại lẫn nhau.
Lương tăng giúp đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung – cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê quan sát giá hàng hóa tiêu dùng tăng, nhất là thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến.
"Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao", bà Oanh nói.
Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng...
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm ngoái, các bộ ngành có tham vấn Tổng cục Thống kê và đơn vị này đã có văn bản phản hồi về tác động của tăng lương dựa trên các giả định, kịch bản đi kèm. Có kịch bản đề nghị tăng lương đầu năm, nhưng cũng có kịch bản để đi đến quyết định điều chỉnh tăng lương vào ngày 1/7 tới.
XEM THÊM: Hà Nội dự kiến mức điều chỉnh giá nước sinh hoạt từ ngày 1/7
Trong khi đó, Trưởng Phòng Quản lý thẩm định giá – Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cho biết, hoạt động quản lý giá được Bộ Tài chính đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để hạn chế tình trạng giá hàng hóa “té nước theo mưa” khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7. Bên cạnh đó, Cục cũng đã tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Bởi đây cũng một công cụ trong điều hành giá của Nhà nước. Song song với đó, theo dõi chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, cũng như việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chú trọng trong công tác thông tin truyền thông, công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý giá, từ đó, cơ bản đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra, báo Kinh tế đô thị đưa tin.
Vân Anh (T/h)