Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lùm xùm trạm BOT: “Giọt nước tràn ly”!

(DS&PL) -

Những bức xúc của người dân tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) chỉ là “giọt nước tràn ly” cho những bất cập đang lộ rõ của các trạm BOT

Những bức xúc của người dân tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) chỉ là “giọt nước tràn ly” cho những bất cập đang lộ rõ của các trạm BOT

Liiên quan đến sự thiếu minh bạch tại dự án trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) khiến người dân bức xúc, trả lời PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Đức Thụ, Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) thẳng thắn cho rằng: “Việc phân phối bất hợp lý các trạm BOT gây bất lợi cho dân bản chất là lạm thu”.

PV: Vụ việc xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đang gây xôn xao dư luận, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây là “giọt nước tràn ly” từ những bất cập của chủ trương xã hội hóa xây dựng đường xá bằng hình thức BOT, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn, nhằm tháo gỡ những nút thắt thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo tôi, chủ trương xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội là một chủ trương đúng và trúng. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương xã hội hóa dưới hình thức BOT vừa qua còn nhiều vấn đề nổi cộm.

Ông Bùi Đức Thụ, Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội).

Ở các nước phát triển, người dân đóng thuế và những khoản đầu tư từ ngân sách Nhà nước, người dân được quyền sử dụng mà không phải đóng bất cứ thứ tiền nào. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, để huy động các nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư có quyền bỏ vốn ra và người dân, tổ chức cá nhân sử dụng cơ sở hạ tầng đó phải trả phí cho nhà đầu tư.

Nhưng ở Việt Nam, do vấn đề vốn không cân đối được nên nhiều tuyến đường đã đầu tư hoặc tuyến đường độc đạo chưa thể bố trí vốn sẽ được kêu gọi dưới hình thức BOT. Vì vậy, sự khác biệt của Việt Nam với các nước là người dân không có quyền lựa chọn tuyến đường mình đi qua.

PV: Như ông vừa nói, người dân không có quyền lựa chọn tuyến đường đi cho mình. Vậy, việc người dân phải đóng phí cao, kéo dài là chuyện phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”?

Ông Bùi Đức Thụ: Điều đáng nói ở đây là việc huy động vốn và quản lý không tốt đã nảy sinh những “điểm nóng” như trạm thu phí ở cầu Bến Thủy (Nghệ An) hay Cai Lậy (Tiền Giang) khiến người dân phản ứng gay gắt. Đó là điều không bình thường và nguyên nhân là do chủ trương đúng nhưng việc tổ chức thực hiện, cơ chế vận hành đang có vấn đề. Đối với hình thức BOT, Nhà nước thay mặt nhân dân ký hợp đồng với nhà đầu tư. Trong trường hợp này phải lấy ý kiến của người dân, không thể bỏ qua được.

PV: Dân bức xúc về cơ sở tính phí và thời gian tính phí, nhiều km đường cũ sửa lại vẫn thu phí như mới và tiền chui vào túi nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Lưu lượng xe hiện nay là do nhà đầu tư cùng bộ chủ quản xác định và với lưu lượng xe thấp thì sẽ phải tăng mức phí hoặc kéo dài thời gian thu phí. Trên thực tế, nhiều trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không đủ khoảng cách 70km, đặt trạm thu phí vào những đoạn đường mà dân sinh hoạt thường xuyên phải đi qua trạm thu phí nhưng lại không đi qua đoạn đường BOT đầu tư và vẫn phải trả phí. Cái này tôi cho rằng đó là lạm thu, gây bức xúc trong dân.

Không sử dụng đường BOT, không cớ gì bắt dân nộp phí hoặc đặt sai vị trí, họ sử dụng một đoạn mà bắt trả phí cả quãng đường dài là vô cùng bất cập. Việc phân phối bất hợp lý, bất lợi cho dân bản chất là hình thức lạm thu, có lợi cho một  nhóm lợi ích nhất định.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng người dân và chủ đầu tư xung đột, ngoài phí cao, còn ở tính minh bạch. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Đức Thụ: Đúng vậy! Tính minh bạch phải được ưu tiên hàng đầu, nhưng ngay việc xác định tiêu chí dự án đầu tư BOT cũng không rõ ràng. Ở ta, hễ chỗ nào ngân sách không bố trí được là cho huy động vốn. Tổ chức BOT phần lớn thông qua việc chỉ định đầu tư, dẫn đến làm sai lệch mức đầu tư, lưu lượng xe, chi phí đầu tư vào dự án công trình... dẫn đến hệ quả người dân phải gánh chịu thời gian nộp phí dài và mức phí cao. Trên cơ sở đó, nhiều nhà đầu tư thu được siêu lợi nhuận.

Vấn đề đặt ra ở đây, cần phải rà soát đúng tổng mức đầu tư đối với một công  trình (cái này phải thông qua đấu thầu, đấu giá – PV). Nhà đầu tư nào bỏ vốn ít nhất mà vẫn đảm bảo được chất lượng đường và điều kiện lưu thông thì nên giao cho họ tổ chức thực hiện.

Theo tôi, cần công khai, minh bạch hóa các khoản đầu tư, thực hiện đấu thầu đấu giá và quản lý thu phí, tránh tình trạng lợi dụng thu phí của dân cho vào túi nhà đầu tư. Phải thiết lập cơ chế minh bạch, cơ chế giám sát của các cơ quan đại diện cho dân, nếu cần cho dân giám sát trực tiếp.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin nổi bật