Câu chuyện về nghệ sĩ Việt làm thiện nguyện đang vô cùng nóng trong thời gian gần đây. Nhiều người nổi tiếng đã kêu gọi được số tiền ủng hộ rất lớn nhưng sau đó nảy sinh các vấn đề liên quan đến quản lý, phân phối, thông tin...
Ca sĩ Thuỷ Tiên tham gia cứu trợ miền Trung.
Việc quyên góp và làm từ thiện trước giờ vẫn được hầu hết mọi người đánh giá là hành động nhân văn, đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề này lại trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi.
Tất cả nguyên nhân được cho là xuất phát từ chuyện chậm sao kê của loạt nghệ sĩ tên tuổi. Trong đó, nhiều nghệ sĩ đưa ra các lý do khác nhau để lý giải cho việc chưa hoặc không sao kê chi tiết tiền quyên góp.
Hồi tháng 5/2021, câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn 14 tỷ tiền từ thiện được người hâm mộ ủng hộ hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt đã khiến dư luận thất vọng.
Mới đây, nữ ca sĩ Thuỷ Tiên cũng đã bật khóc nức nở trong livestream khi bị nghi bị nghi "ăn chặn" từ 177 tỷ đồng tiền từ thiện miền Trung. Nữ ca sĩ nói lý do chậm sao kê vì đã hỏi ngân hàng nhưng “họ nói việc sao kê tốn đến mấy thùng giấy nên tôi không muốn làm khó".
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành cũng rơi vào vòng xoáy tranh luận về cách làm thiện nguyện không được khoa học, không rõ ràng.
Ồn ào liên tiếp nổ ra khiến cho công chúng hoài nghi về sự minh bạch trong các hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ.
Trao đổi với Tạp chí ĐS&PL, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà chia sẻ: “Nghệ sĩ làm từ thiện không phải câu chuyện mới. Họ được công chúng yêu mến, có sức hút mãnh liệt, nên dễ dàng huy động được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, nghệ sĩ làm từ thiện chỉ là một hoạt động cá nhân, không có tính chuyên nghiệp. Không có tính chuyên nghiệp bởi đó không phải là nghề nghiệp của họ”.
Cũng chính bởi không phải là người hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp, nên chắc chắn nghệ sĩ sẽ có chỗ này hay chỗ kia sơ suất, thiếu sót, đặc biệt là trong khâu thu thập các hóa đơn, chứng từ đầu ra. Tuy nhiên, đó cũng không thể trở thành lý do để không giải trình các khoản chi tiêu một cách có trách nhiệm và rõ ràng, minh bạch.
“Nếu không làm thì thôi, còn đã làm là phải minh bạch. Người nghệ sĩ chỉ là người ở giữa, nhận tiền của nhà hảo tâm, chuyển tới những người khó khăn. Nếu nghệ sĩ chỉ chuyển đi tiền của cá nhân mình hay gia đình thì không cần phải công khai, nhưng trong trường hợp này, nghệ sĩ chỉ là người đại diện”, ông Hoà nhận định.
Cần khẳng định rằng, đòi hỏi sự minh bạch từ các nghệ sĩ như Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng... của dư luận là hoàn toàn chính đáng, và các nghệ sĩ có nghĩa vụ phải làm rõ các con số. Sự minh bạch đó không chỉ là sao kê đầu vào những khoản quyên góp được, mà cả đầu ra bao gồm các chi tiêu, chi phí, cứu trợ, ủng hộ,…
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định bản thân không ăn chặn tiền từ thiện.
Liên quan tới câu chuyện Hoài Linh lấy lý do bệnh nên chậm giải ngân tiền cứu trợ, Trấn Thành vì bận mà chuyển hơn 9,4 tỷ đồng quyên góp được cho mẹ của mẹ Hồ Ngọc Hà và Đại Nghĩa đi từ thiện giúp nhưng không thông báo, chuyên gia Trịnh Trung Hoà cho biết:
“Không thể nói rằng ‘nghệ sĩ sinh ra không phải để làm sao kê’ hay ‘không có kỹ năng tính toán nên không làm tốt được’… nói như thế là không được. Vì điều công chúng cần chỉ lạ sự minh bạch. Người ta đưa mình 100 triệu thì mình chuyển đi 100 triệu, đơn giản như vậy thôi.
Nếu quá bệnh, hay quá bận không làm được, thì nên chuyển cho các cơ quan, tổ chức uy tín (như Mặt trận tổ quốc, UBND xã vùng bị lũ lụt)… chứ không thể trì hoãn quá lâu, chuyển cho bạn bè để họ làm hộ. Như thế là phụ lòng tin của công chúng, là vô trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, người làm từ thiện cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về các trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ. Tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc.
Có thể nói, hoạt động từ thiện tự phát từ trước đến nay dường như đang bị thả nổi theo kiểu mạnh ai nấy làm, mà không hề có sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng.
Bởi vậy, đã đến lúc cần phải đặt vấn đề một cách nghiêm khắc hơn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện cùng với hệ thống pháp luật, quy định đầy đủ, chuyên nghiệp. Có như vậy mới không ai có thể trục lợi từ lòng tốt của người khác và cũng không một nghệ sỹ nào dám mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi…
Theo quy định pháp luật Việt Nam, trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm (BLHS) 2015.
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mộc Miên