Trong lúc câu chuyện bản quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" đang được dư luận quan tâm thì ca sĩ Khánh Phương và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bất ngờ có phát ngôn đáng chú ý.
Theo Tri thức trực tuyến, “Độ ta không độ nàng” là bài hát được tác giả Cô Độc Thi Nhân (Trung Quốc) phát hành vào tháng 1 và Anh Duy là giọng ca đầu tiên thể hiện bằng tiếng Việt. Đầu tháng 6, ca khúc bắt đầu hot tại Việt Nam và được rất nhiều ca sĩ như Phương Thanh, Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, hay những gương mặt mới như Hương Ly, Thiên An, Thái Quỳnh… cover.
Cuối tháng 6, một đơn vị yêu cầu các ca sĩ gỡ bài hát hoặc trả phí bản quyền là 5 triệu đồng cộng 33% doanh thu thu được từ sản phẩm. Vụ việc gây tranh luận trong cộng đồng người nghe nhạc, đặc biệt là khi ca sĩ Phương Thanh chỉ trích đơn vị trên trục lợi.
“Nếu một bài hát chưa và không ai biết, công ty các bạn mua độc quyền và làm cho nó hot lên được, tôi mới nể trí tuệ, tư duy của các bạn. Còn chờ khi nó đang quá hot nhờ vào rất nhiều nghệ sĩ và ca sĩ trẻ cùng hát thì việc các bạn mua độc quyền rồi kinh doanh chỉ là những kẻ nhanh tay biết trục lợi mà thôi” - giọng ca 46 tuổi tức giận.
Nữ ca sĩ cũng nhấn mạnh, bản thu của mình chỉ nhằm mục đích truyền bá Phật pháp, không kinh doanh nên không sai luật.
Ca sĩ Phương Thanh thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước đề nghị thu tác quyền của phía đơn vị tuyên bố nắm bản quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng". Ảnh: An ninh Thủ đô |
Và theo Vietnamnet, Phương Thanh tiết lộ, đơn vị nắm bản quyền bài "Độ ta không độ nàng" là công ty con của một công ty truyền thông. Và công ty mẹ hiện đang sử dụng trái phép bài hát, hình ảnh của Phương Thanh để kiếm tiền nhiều năm qua. Đây là nguyên do Phương Thanh chỉ trích đơn vị này "làm ăn kiểu cướp giật hớt tay trên".
Phương Thanh viết: "Công ty mua tác quyền, đó là chuyện của công ty. Nhưng các bạn cũng đang sử dụng trái phép quá nhiều sản phẩm, hình ảnh của tôi để kinh doanh. Các bạn đã xin phép tôi chưa?".
Liên quan vấn đề bản quyền bài hát đang gây nhiều tranh cãi, nhiều khán giả và đồng nghiệp đồng tình với Phương Thanh. Trong đó, Anh Duy - một trong những ca sĩ quyết định xóa bỏ video cho biết: “Tôi quyết định gỡ bỏ, không mua tác quyền bài hát này vì cho rằng động cơ của phía công ty là trục lợi, cố tình lợi dụng độ hot để kiếm chác. Nếu họ mua bản quyền ngay từ đầu và công bố rộng rãi, tôi sẵn sàng hợp tác và làm theo đúng luật”.
Tuy nhiên, khác với Phương Thanh, Khánh Phương lại chấp nhận trả phí tác quyền để giữ sản phẩm. Anh giải thích với Tri thức trực tuyến: “Việc so sánh, phân tích cái nào nên đầu tư và chưa nên đầu tư là việc không lạ với một đơn vị kinh doanh. Chúng ta không thể biết đơn vị đó để mua được bài hát khó khăn hay không và phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Nếu đơn vị bỏ ra khoảng 5.000 USD để mua, nhưng khi thông báo bản quyền, tất cả ca sĩ bỏ chạy thì ai sẽ là người thiệt hại”.
Đứng từ góc độ nhạc sĩ, Nguyễn Văn Chung - tác giả ca khúc “Nhật ký của mẹ” - cũng khẳng định hành động cover là vi phạm luật bản quyền.
Nhạc sĩ cho biết: “Tôi không nói riêng trường hợp của ai mà chỉ nói chung rằng cover bất cứ ca khúc nào đều sai nếu không xin phép. Kể cả không kinh doanh thì cũng phải được sự đồng ý của tác giả. Còn trong trường hợp kinh doanh thì phải trả tác quyền cho tác giả”.
Theo tìm hiểu của An ninh Thủ đô, kênh Youtube thường tổng kết doanh thu từ một sản phẩm đăng tải trên kênh này vào ngày 15 hàng tháng và trả tiền cho chủ tài khoản đăng tải sản phẩm này sau đó vài ngày. Tức là với những bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” được đăng tải từ cách đây cả tháng, thậm chí nhiều tháng đã có thể đem lại cho chủ tài khoản doanh thu không nhỏ. Vì thế, việc các chủ tài khoản chọn gỡ bản thu chứ không chia sẻ 33% doanh thu cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Và nếu vậy, thì động thái thương lượng mua tác quyền từ tác giả ca khúc gốc và đề nghị thu tác quyền đối với các bản "cover" ca khúc "Độ ta không độ nàng" của đơn vị trên xem ra đã chậm chân và không mấy khả thi.
Vũ Đậu (T/h)