Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Luật sư tìm lại mùa xuân cho thân chủ

(DS&PL) -

Đối mặt mức án 20 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, anh Ký rơi vào tình cảnh bế tắc. Đúng lúc khó khăn ấy, luật sư Tạ Văn Phú vào cuộc và lục lại toàn bộ căn cứ buộc tội.

Đối mặt mức án 20 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, anh Ký rơi vào tình cảnh bế tắc, lo lắng tột cùng. Đúng vào lúc khó khăn ấy, luật sư Tạ Văn Phú vào cuộc và lục lại toàn bộ căn cứ buộc tội trong hồ sơ vụ án. Chân lý chỉ có một, ngày thân chủ được minh oan cũng là lúc mùa xuân ùa về.

Luật sư Tạ Văn Phú - Giám đốc công ty Luật Ánh Sáng Việt (đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Vụ trộm cắp chấn động làng quê

Luật sư Tạ Văn Phú - Giám đốc công ty Luật Ánh Sáng Việt (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) được nhiều người biết đến vì có “nghề”. Trong quá trình hành nghề, anh đặc biệt ấn tượng vụ án trộm cắp tài sản bởi đã giúp thân chủ trắng án.

Bên chén trà sen đậm hồn đất Việt, luật sư Phú trầm ngâm kể về cơ duyên anh tham gia vụ án này một cách khá tình cờ. “Khi tiếp xúc hồ sơ vụ án, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi thấy có rất nhiều căn cứ buộc tội, chứng cứ, tình tiết vụ án thiếu khách quan, có dấu hiệu tạo dựng hồ sơ theo kiểu... buộc án gán tội. Niềm tin nội tâm này đã hối thúc tôi lao vào vụ án một cách đầy hứng khởi và quyết tâm tìm ra sự thật”, luật sư Phú tâm sự.

Theo cáo trạng VKSND tỉnh Bắc Ninh, khoảng tháng 6/2015, Nguyễn Văn Ký (SN 1988, HKTT: Xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã trao đổi, thỏa thuận với Nguyễn Văn Quyết lôi kéo một số công nhân công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (công ty Samsung Việt Nam), địa chỉ tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thực hiện trộm cắp tài sản của công ty Samsung.

Quyết đã liên hệ với Hoàng Văn Kiên, Vũ Văn Kiên và Phạm Văn Chung đều là công nhân công ty Samsung để trộm cắp màn hình điện thoại của công ty.

Sau đó, Ký thỏa thuận với Nguyễn Văn Bài (SN 1993, trú tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để Bài vào trong công ty, xách hàng trộm cắp ra ngoài đưa cho Ký tiêu thụ. Trong các ngày mùng 3, mùng 4/7/2015, Hoàng Văn Kiên, Vũ Văn Kiên và Phạm Văn Chung đã trộm cắp được 410 chiếc màn hình điện thoại uốn cong có tổng trị giá 760.984.600 đồng cho vào túi nilon, giấu trong máy Auto Clove số 4 trên tầng 2 của xưởng sản xuất.

Chiều tối 7/7/2015, Ký bảo Quyết đến lấy thẻ ra vào công ty Samsung của Hoàng Văn Kiên đưa lại cho Ký. Đến 23h ngày 8/7/2015, Ký gọi Bài đến nhà và đưa cho Bài chiếc thẻ ra vào công ty Samsung của Hoàng Văn Kiên để Bài vào trong công ty, xách số màn hình trộm cắp được nêu trên, mang ra ngoài cho Ký. Bài đã vào công ty Samsung gặp Vũ Văn Kiên và lấy số màn hình điện thoại trộm cắp. Khi Bài đang xách túi nilon đựng số màn hình điện thoại trộm cắp mang ra ngoài, thì bị phát hiện quả tang.

Trước đó, hành vi trộm cắp nêu trên của Hoàng Văn Quyết, Hoàng Văn Kiên, Vũ Văn Kiên và Phạm Văn Chung đã được TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử và tuyên án. Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Ký và Nguyễn Văn Bài bị VKSND tỉnh Bắc Ninh truy tố về tội Trộm cắp tài sản.

“Thầy cãi” tung chiêu

Bắt tay vào nghiên cứu vụ án, luật sư Phú xới tung tất cả các căn cứ buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, soi chiếu nó dưới ánh sáng pháp lý và phân tích, đánh giá một cách hết sức khách quan. Thậm chí, có những lúc luật sư Phú còn đứng trên quan điểm của cơ quan buộc tội để nhìn nhận, đánh giá vụ án. Luật sư Phú đi tìm gặp các nhân chứng, lấy lời khai của các bên liên quan, khai mở những “điểm đen” có tính chất quyết định buộc tội thân chủ của mình là anh Nguyễn Văn Ký.

Khi hầu tòa, tất cả những khuất tất, lời khai “tiền hậu bất nhất” của nhóm tội phạm gây ra vụ trộm cắp đã được luật sư Tạ Văn Phú “bóc mẽ”, lật tẩy tại công đường. Quá trình tham dự phiên tòa, PV thấy rằng, mỗi lần luật sư Phú đưa ra những chứng cứ xác đáng có tính chứng minh cao, y như rằng nhận được “điệp khúc” trả hồ sơ!

Xuyên suốt nhiều phiên tòa, luật sư Phú chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường và chứng cứ buộc tội quá yếu trong hồ sơ vụ án. Cụ thể, căn cứ vào bản xác nhận của công ty Samsung cho thấy, Hoàng Văn Kiên xác nhận mất thẻ của mình là ngày 4/6/2015. Đây là chứng cứ khách quan và trung thực.

Điều này chứng minh sự sai lệch hoàn toàn với lời khai về ngày gặp mà Quyết và Hoàng Văn Kiên khai (đầu tháng 7/2015). Cả Quyết và Hoàng Kiên đều khẳng định sau khi đi gặp anh của Quyết bàn chuyện trộm cắp về, thì sự kiện khiến Quyết nhớ là ngày Kiên bị mất thẻ ra vào. Như vậy cho thấy một sự bịa đặt về ngày gặp Ký.

Hơn nữa, Hoàng Văn Kiên không nhận dạng được Nguyễn Văn Ký ngay từ lần đầu nhận dạng (hình ảnh của Ký khi sử dụng để nhận dạng rất rõ ràng và nhất là lúc đó vụ án mới xảy ra). Trong nhiều lần nhận dạng toàn thân, nhận dạng trực tiếp sau đó và tại phiên tòa ngày 8/10/2018, Hoàng Văn Kiên cũng thừa nhận, Ký có nhiều đặc điểm giống chứ không chắc chắn đó là người đã bàn việc trộm cắp. Từ đó, luật sư Phú nhận định: “Không có việc Nguyễn Văn Ký tham gia bàn bạc trộm cắp với Quyết và Hoàng Kiên”.

Ngoài ra, luật sư Tạ Văn Phú còn chỉ ra dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng như trong 2 lần cho Hoàng Văn Kiên tiến hành nhận dạng toàn thân đối với Nguyễn Văn Ký đều không có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Ký. “Việc cho nhận dạng đi, nhận dạng lại rõ rằng nhằm mục đích tạo cho Hoàng Văn Kiên cảm giác quen mắt về Ký. Điều đáng nói là trước khi tiến hành nhận dạng, cán bộ điều tra dùng điện thoại chụp ảnh Ký gửi đi trước cho ai đó, trong khi đó việc nhận dạng là nhận dạng trực tiếp không phải qua ảnh thì chụp ảnh để làm gì?”, luật sư Phú đặt nghi vấn.

Luật sư Phú còn chỉ ra thêm một dấu hiệu bất thường trong hồ sơ vụ án. Đó là lời kể của người bị giam cùng Nguyễn Văn Ký là Trần Quang Trung. Trung khai được Ký kể và thừa nhận việc Ký chủ mưu chỉ đạo việc trộm cắp. Trung kể một chi tiết là ngày Bài lấy trộm hàng ở công ty Samsung bị bắt quả tang, Ký đã chủ động đi lễ chùa cùng vợ, không trực tiếp vào công ty Samsung. “Vụ án diễn biến xảy ra vào đêm mùng 7/7/2015 và rạng sáng mùng 8/7/2015.

Theo như lời khai của Bài, đêm 7/7/2015, Bài còn đến nhà gặp Ký để lấy điện thoại và sau khi bị bắt quả tang Bài chạy về đưa thẻ ra vào cho Ký. Như vậy, Ký không đi chùa. Giả thiết Ký và vợ đi chùa xa, vắng mặt nhằm tránh việc trộm cắp thì làm gì có ở nhà mà gặp Bài vào đêm hôm 7/7 và sáng sớm ngày 8/7 hôm sau. Đây rõ ràng là một sự bịa đặt lố bịch và vô cùng thái quá”, luật sư Tạ Văn Phú nhấn mạnh.

Trong phiên xử vụ trộm cắp tại công ty Samsung, luật sư Phú chỉ ra những điểm vô lý, bất thường. Vị luật sư luôn đứng thế chủ động, thắng thế trong các tình huống tranh luận với VKS. Trải qua một quá trình tố tụng rất dài và nhiều gian nan, đến nay anh Nguyễn Văn Ký đã được minh oan khi cầm trên tay quyết định đình chỉ vụ án. Niềm hạnh phúc của luật sư Tạ Văn Phú vỡ òa khi minh oan cho thân chủ cũng là lúc mùa xuân tới, một năm mới lại đến. Hành trình vì công lý của vị luật sư trẻ lại tiếp tục, dù nhiều khó khăn...

Tư Viễn 
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)

Tin nổi bật