(ĐSPL) – Theo các luật sư, nếu "cá nhân" không phải thành viên công ty Nam Việt dùng mẫu hợp đồng để thỏa thuận với người lao động mà không có ủy quyền thì có dấu hiệu lừa đảo.
Vụ việc gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị gửi đơn cầu cứu về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Hòa đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út nhưng bị ngược đãi, bỏ đói... Bằng những xác minh của nhóm PV, sự việc đang dần hé lộ thêm những góc khuất của vụ việc này.
Theo đó, trong hợp đồng đi xuất khẩu lao động của bà Nguyễn Thị Hòa, công ty ký kết (trên giấy tờ) là Công ty Cổ phần đầu tư và hợp tác Quốc tế Nam Việt. Tuy nhiên, hợp đồng này không có mã số, chữ ký và con dấu của công ty đưa đi. Đồng thời, người đại diện của công ty Nam Việt cũng phủ nhận việc đưa lao động Nguyễn Thị Hòa sang Ả-rập-xê-út.
Tra cứu trên trang thông tin điện tử của Đại sứ quán Ả-rập-xê-út tại Việt Nam, công ty đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Hòa lại là công ty cổ phần Traenco. Bà Nguyễn Thị Hải – Trưởng phòng xuất khẩu lao động đã lên tiếng xác nhận thông tin công ty Traenco đóng visa cho chị Nguyễn Thị Hòa tại Đại sứ quán là chuẩn xác. Tuy nhiên, lao động Hòa lại không có tên trong danh sách xuất cảnh của công ty Traenco.
Hình ảnh tra cứu chứng minh Visa của bà Nguyễn Thị Hòa do công ty Traenco đóng. |
Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc công ty Luật TNHH Inteco cho hay, Quy định tại Điều 388, Bộ Luật Dân sự 2005, thì “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Sự thỏa thuận giữa các bên ở đây được hiểu là nội dung của Hợp đồng do các bên tự nguyện thỏa thuận, thống nhất và ký kết xác nhận hợp lệ.
Luật sư Hà Huy Phong cho rằng hợp đồng của chị Hòa là không có hiệu lực. |
“Đối với cá nhân ký kết thì phải có chữ ký và thông tin đầy đủ về người ký kết, và đối với pháp nhân thì phải có chữ ký hợp lệ của người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền và xác nhận bằng con dấu pháp nhân của tổ chức đó.” – Luật sư Phong nói.
Theo Điều 3, Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng quy định “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Hợp đồng giữa chị Nguyễn Thị Hòa và công ty Nam Việt không có chữ ký, con dấu của công ty Nam Việt, do đó, có thể khẳng định là văn bản này chưa đủ điều kiện để lập thành một hợp đồng giữa hai bên và do đó, không có giá trị về mặt pháp lý.
Thông tin từ Cục lao động ngoài nước, thì chị Nguyễn Thị Hòa không có tên trong danh sách lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài do Cục quản lý.
Luật sư Phong cũng phân tích thêm, quy định chung của quy trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, là người lao động và doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký kết hợp đồng, sau đó doanh nghiệp gửi danh sách và hợp đồng tới Cục lao động ngoài nước để phê duyệt, sau đó mới làm các thủ tục để đưa người đi. Nếu thông tin do Cục lao động ngoài nước cung cấp là đúng thì rõ ràng là Chị Nguyễn Thị Hòa đã bị lừa đảo và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo con đường bất hợp pháp mà không phải là theo con đường xuất khẩu lao động hợp pháp. Đối tượng đưa Chị Hòa đi không chỉ chịu trách nhiệm về hợp đồng, mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi lừa đảo, và hành vi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Tuy nhiên, để chứng minh hành vi lừa đảo, cần phải điều tra và làm rõ về động cơ, số tiền mà Chị Hòa bị chiếm đoạt ..
Cùng quan điểm trên, Luật sư Lê Minh Công – Trưởng VP luật sư số VI cho rằng, hợp đồng giữa công ty Nam Việt và lao động Nguyễn Thị Hòa là hợp đồng không có giá trị pháp lý. Bởi bên ký hợp đồng chỉ có bên người lao động là bà Nguyễn Thị Hòa,còn bên công ty Nam Việt không có ai ký và đóng dấu ,không thể hiện là công ty Nam Việt là chủ thể ký hợp đồng với bà Hòa.
Luật sư Lê Minh Công phân tích về vụ việc lao động Hòa. |
“Đối tượng ký hợp đồng với bà Hòa không ký vào hợp đồng và cũng không có giấy ủy quyền của Công ty Nam Việt ủy quyền cho đối tượng ký hợp đồng. Như vậy hợp đồng là vô hiệu.” – luật sư Công phân tích.
Phân tích thêm về những chi tiết phản ánh của người nhà chị Hòa, luật sư Công nhận định đối tượng dùng mẫu hợp đồng của công ty Nam Việt làm hợp đồng với người lao động, sau đó không thực hiện các nghĩa vụ giao kết thỏa thuận với nhau và đã nhận tiền chi phí của bà Hòa nên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nếu người lao động làm đơn tố cáo thì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét và xử lý. Ngoài ra, việc không phải là nhân viên của công ty nhưng lại ghi là: "Thay mặt văn phòng đại diện công ty Nam Việt " nhận 33 triệu đồng của ông Cù Cao Cường là sai nếu như không có ủy quyền của công ty, và mục đích nhận tiền để mua vé và làm thủ tục về nước ,nếu mua vé và làm thủ tục được về thì là việc dân sự. Nhưng không mua vé ,không làm thủ tục được về, mặc dù đã yêu cầu gia đình bà Hòa nhận lại tiền thì đây là chứng cứ để chứng minh việc đưa người đi lao động nước ngoài trái phép.
“Trong vụ việc trên Traenco xin visa cho người lao động không đúng tiêu chuẩn, không có hợp đồng lao động hợp pháp, nay hậu quả xảy ra thì cũng liên đới chịu trách nhiệm vì đã vi phạm các quy định của nhà nước về quy định làm thủ tục đưa người đi lao động nước ngoài.” - Luật sư Công nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tuấn Dũng