Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Luật sư nói gì vụ đòi nửa tỷ vì phát hiện ruồi trong chai nước ngọt?

(DS&PL) -

(ĐSPL) – “Theo tôi, vụ việc vừa có yếu tố hình sự vừa có yếu tố dân sự đan xen nhưng xét cho cùng bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự”.

(ĐSPL) – “Theo tôi, vụ việc vừa có yếu tố hình sự vừa có yếu tố dân sự đan xen nhưng xét cho cùng bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự”, luật sư Phạm Hoài Nam chia sẻ.

Ngày 27/1, các trinh sát hình đã tạm giữ hình sự Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Được biết, Minh là chủ quan cơm ở xã An Cư, ngày 3/12/2014, Minh phát hiện con ruồi trong chai nước Number one của Công ty Tân Hiệp Phát khi bán cho khách. Nổi lòng tham, Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện cho doanh nghiệp yêu cầu cử đại diện xuống miền Tây thương lượng.

Trong lần gặp đầu tiên, Minh yêu cầu phía công ty phái đưa cho Minh 1 tỷ đồng nếu không sẽ đưa cho báo chí đăng và in 5.000 tờ rơi phát tán. Sau ba lần thương lượng có lập biên bản hai bên đã đồng ý mức giá 500 triệu đồng. Tới ngày 27/1, Minh hẹn gặp đại điện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè, trong lúc nhận 500 triệu đồng thì bị trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Liên quan tới vụ việc này, một số ý kiến thắc mắc liệu hành vi của anh Minh đã đủ để cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”? Do đó, báo Đời sống và pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hoài Nam, hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn luật sư TP.HCM.

Theo luật sư, việc anh anh Võ Văn Minh bị lực lượng công an tạm giữ để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” như vậy đúng hay sai? Ý kiến của Luật sư về vụ việc này như thế nào?

Theo tôi, vụ việc vừa có yếu tố hình sự vừa có yếu tố dân sự đan xen nhưng xét cho cùng bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự, bởi theo thông tin từ báo chí nêu thì anh Minh trong khi bán nước uống cho khách hàng đã phát hiện ra chai Number One còn nguyên nắp nhưng có con ruồi bên trong, anh Minh đã gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát nêu sự việc và yêu cầu đưa cho mình 1 tỷ đồng thì sẽ im lặng và giao trả lại chai nước Number 1 cho Công ty Tân Hiệp Phát, ngay sau đó doanh nghiệp này đã cử đại diện tìm đến anh Minh để thương lượng.

Anh Minh bị cơ quan công an tạm giữu về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. (Ảnh VnExpress) 

Sau nhiều lần làm việc và thoả thuận có lập biên bản thì hai bên thống nhất số tiền Công ty Tân Hiệp Phát sẽ đưa cho anh Minh 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng của anh Minh và giữ uy tín thương hiệu của doanh nghiệp; họ cùng hẹn đến ngày 27/1/2015 sẽ giao nhận tiền cũng như chai Number One có con ruồi bên trong, tuy nhiên phía công ty đã báo cơ quan công an bắt quả tang anh Minh khi hai bên đang giao nhận tiền.

Xem xét vụ việc dưới góc độ hình sự về cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản” theo điều 135 Bộ Luật Hình sự thì hành vi cưỡng đoạt tài sản phải có dấu hiệu đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản; Có thể Minh không có hành vi đe doạ dùng vũ lực đối với Công ty Tân Hiệp Phát nhưng lại dùng thủ đoạn khác như doạ phát tờ rơi và thông tin cho báo chí nhằm bôi nhọ uy tín của doanh nghiệp, chính vì vậy Công ty Tân Hiệp Phát buộc phải giao tiền cho Minh để đối lấy sự im lặng; hành vi này của Minh đã thoả mãn về mặt khách quan đối với dấu hiệu cấu thành tội phạm phạm đối với tội cưỡng đoạt tài sản.

Nhưng về mặt chủ quan của tội phạm thì không thoả mãn cấu thành tội này bởi đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì người phạm tội phải thực hiện tội này với lỗi cố ý, nghĩa là về nguyên tắc mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước.

Trở lại vụ việc, ta thấy khi phát hiện vụ việc có con ruồi nằm trong chai nước Number One thì Minh đã thông báo cho Công ty Tân Hiệp Phát để yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp cử đại diện đến thương lượng nhiều lần, tất cả các lần đều lập biên bản thoả thuận về giá cả bồi thường, việc Minh có doạ Công ty Tân Hiệp Phát về việc tung tờ rơi hoặc đưa thông tin cho báo chí cũng chỉ là hành vi gây sức ép trong quá trình đàm phán, phía doanh nghiệp nếu không chứng minh được thiệt hại thì không có cơ sở để được pháp luật bảo vệ.

Mặt khác với nhiều lần hai bên đàm phán, thương lượng và đi đến thoả thuận cuối cùng là đồng ý trả tiền thì tự Công ty Tân Hiệp Phát đã thừa nhận chai nước ngọt Number One có con ruồi bên trong là tài sản của mình, tài sản bị lỗi và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải bồi thường cho người tiêu dùng và trong trường hợp này anh Minh chính là người tiêu dùng được quyền yêu cầu… còn số tiền bồi thường lớn hay nhỏ là do hai bên tự thoả thuận không thể căn cứ vào số tiền lớn để quy kết rằng anh Minh cưỡng đoạt tài sản.

Như vậy, tuy vụ việc có dấu hiệu hình sự như đã nêu trên nhưng chưa thoả mãn cấu thành tội phạm đối với tội “cưỡng đoạt tài sản” mà bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự bởi Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn thương lượng với anh Võ Văn Minh là phù hợp theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch dân sự tại điều 121 và điều 122 Bộ Luật Dân sự.

Mặt khác vụ việc cũng phù hợp với quy định pháp luật về việc bảo vệ người tiêu dùng được quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ người tiêu dùng; theo đó phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ được thực hiện thông qua việc thương lượng, hoà giải; trong trường hợp các bên không giải quyết được thì có thể yêu cầu cơ quan Trọng tài hoặc Toà án giải quyết tranh chấp.

Clip xem thêm: Tống tiền bằng kim tiêm… chứa máu gà

Việc Công ty Tân Hiệp Phát vừa thương lượng vừa bí mật báo Cơ quan Công an bắt Minh về tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi “lật kèo” trong việc lợi dụng sự không rõ ràng giữa vấn đề dân sự và hình sự theo quy định pháp luật để gài bẫy bắt người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ có yêu cầu doanh nghiệp bồi thường trong các vấn đề tranh chấp dân sự về việc bồi thường do hàng hoá bị lỗi, kém chất lượng hoặc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi doanh nghiệp bỗng chốc trở thành người bị hại và vô can trong các vấn đề pháp lý mà đáng lẽ ra chính họ phải là người chịu trách nhiệm chính.  

Trong trường hợp của anh Minh là 1 khách hàng bình thường mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng như trên thì phía doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm gì không? Mức bồi thường như thế nào?

Vấn đề này được quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng”  Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 nêu rõ người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Trong trường hợp mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, người mua hàng có quyền yêu cầu đơn vị sản xuất ra hàng hóa đó bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với những hàng hóa không đủ tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời có trách nhiệm phải thông báo tới các cơ quan Quản lý thị trường tại địa phương.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc UBND Quận/huyện, Hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương để xử lý (theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ người tiêu dùng).

Trong trường hợp đơn vị sản xuất ra các sản phẩm kém chất lượng không hợp tác hoặc bồi thường thiệt hại thực tế, người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 7 điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm kém chất lượng thì họ phải tiến hành thu hồi toàn bộ lô hàng hóa có khuyết tật, thông báo công khai thông tin về hàng hóa khuyết tật trên báo hoặc truyền hình địa phương trong 5 số liên tiếp, đồng thời bồi thường mọi thiệt hại đã xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng theo điều 22, 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Như vậy, quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đều được quy định rõ để điều chỉnh và xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Tin nổi bật