Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lừa góp tiền tỷ để tu sửa chùa, người đàn ông chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng

(DS&PL) -

Người đàn ông 57 tuổi tự giới thiệu mình là người sùng bái đạo Phật và muốn đóng góp 70 tỷ đồng xây cất chùa. Tin lời kẻ lừa đảo, sư trụ trì đã chuyển gần 1 tỉ đồng

Người đàn ông 57 tuổi tự giới thiệu mình là người sùng bái đạo Phật và muốn đóng góp 70 tỷ đồng xây cất chùa. Tin lời kẻ lừa đảo, sư trụ trì đã chuyển gần 1 tỉ đồng để đóng phí làm hồ sơ nhận tiền.

Báo Công an nhân dân đưa tin, chiều 20/3, Đại tá Bùi Bé Năm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an An Giang cho biết, đơn vị đang thụ lý điều tra vụ án hình sự, liên quan 2 đối tượng: Lê Thanh Vân (57 tuổi, thường trú ấp 6, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai) và Ngô Ngọc Tuấn An (25 tuổi, thường trú số 34, đường Nguyễn Quyền, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đối tượng Lê Thanh Vân tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo ANTĐ

Theo thông tin đăng tải trên báo An ninh thủ đô, khoảng giữa tháng 1/2017, Công an huyện Tịnh Biên, An Giang tiếp nhận phán ánh của ông Lê Văn Bình (SN 1965) là trụ trì chùa Phước Hải (tọa lạc khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), bị đối tượng lạ mặt lừa đảo, chiếm đoạt 955 triệu đồng.

Nạn nhân cho biết, ngày 12/2/2016, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, tên Samari, quê ở Đắk Lắk, đến chùa Phước Hải quay phim, chụp ảnh. Qua trò chuyện với Trụ trì chùa Phước Hải, người đàn ông này giới thiệu có cha mẹ đang sinh sống tại Pháp, rất sùng bái đạo Phật và muốn đóng góp 70 tỉ đồng, để xây cất chùa Phước Hải, nên ông Bình vui mừng đồng ý.

Sau đó, người đàn ông này cho số điện thoại di động, để Trụ trì chùa Phước Hải thuận tiện trao đổi công việc. Sau nhiều lần trao đổi điện thoại, người đàn ông tên Samari yêu cầu chùa Phước Hải chuyển tiền qua tài khoản của ông này để đóng phí làm hồ sơ nhận tiền tài trợ xây chùa.  

Tin lời người đàn ông trên nên từ ngày 16/2 đến 8/3/2016, thay mặt chùa Phước Hải, ông Bình đã 39 lần chuyển tiền, tổng cộng 955 triệu đồng vào tài khoản trên. Sau đó, ông Bình nhiều lần liên lạc điện thoại với người đàn ông tên Samari, nhưng không được, nên đến Công an huyện Tịnh Biên trình báo vụ việc.

Qua báo cáo vụ việc của Công an huyện Tịnh Biên, ngày 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thành lập Ban chuyên án, điều tra vụ án.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp thông tin cung cấp từ Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, Ban chuyên án  đã nhanh chóng xác định “tác giả” vụ lừa đảo chiếm đoạt 955 triệu đồng của chùa Phước Hải là Lê Thanh Vân (người xưng tên Samari) và Ngô Ngọc Tuấn An.

Cũng theo báo Công an nhân dân, ngày 12/3, được sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, các trinh sát Phòng PC45 Công an tỉnh đã bắt giữ Lê Thanh Vân, khi y đang ở tại nhà trọ Tuấn Phong, số 4, đường Lữ Gia, phường 9, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tại cơ quan điều tra, sau hồi quanh co chối tội, Vân đã thừa nhận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 955 triệu đồng của chùa Phước Hải, đồng thời khai nhận đang cùng Ngô Ngọc Tuấn An “múa mép”, để chiếm đoạt tài sản của 2 chùa Ngọc Nam (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) và chùa Diệu Âm (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 
a) Có tổ chức; 
b) Có tính chất chuyên nghiệp; 
c) Tái phạm nguy hiểm; 
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật