Tính đến ngày 1/11, số người thiệt mạng sau khi trận mưa lũ tàn khốc quét qua vùng Valencia của Tây Ban Nha đã tăng lên 205 người, theo Hãng tin Reuters.
Đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích giữa đống ngổn ngang khi đường phố bị chặn bởi hàng trăm chiếc xe ô tô chất đống lên nhau. Sự kiện này đánh dấu thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại.
Giải thích về trận lũ trên, các nhà khí tượng học cho biết chính biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tăng cường độ và tần suất của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trước khi cơn đại hồng thủy xuất hiên, Tây Ban Nha - cùng với Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp từng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.
Hạn hán tại Tây Ban Nha hồi tháng 7 năm nay. Ảnh: Getty
Sóng nhiệt khiến rừng dễ bắt lửa, dẫn tới các vụ cháy rừng chết người, còn các thành phố ngạt trong khói. Hạn hán làm đất khô cằn và ngăn đất hấp thụ nước khi mưa lớn. Nguồn cung nước trở nên khan hiếm, khiến nhiều thành phố như Barcelona phải áp dụng các hạn chế khẩn cấp. Các chủ trang trại và khách sạn không còn đủ khả năng tài chính để cầm cự nếu những đợt khủng hoảng tiếp theo ập tới.
Người dân Chiva - một thị trấn nhỏ nằm ở vùng ngoại ô Valencia, miền Đông Tây Ban Nha –thậm chí từng được dự báo sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm: Tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ khi Trái Đất nóng lên và đất nước khô cằn, hồ cạn trơ đáy.
Thế nhưng, hôm 29/10, họ đã phải chứng kiến cảnh tượng mưa như trút nước, với lượng mưa bằng cả một năm đổ xuống chỉ trong vài giờ.
Cảnh tượng kinh hoàng sau trận lũ quét ngày 29/10. Ảnh: Reuters
“Tây Ban Nha là một quốc gia đã quá quen với hạn hán, nhưng rõ ràng do hậu quả từ biến đổi khí hậu, chúng ta đang chứng kiến những sự kiện và hiện tượng thời tiết thường xuyên và khắc nghiệt hơn nhiều”, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết.
Các nhà khoa học đã gọi đây là mối nguy kép và tác động dây chuyền.
Theo Guardian, ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch đang góp phần làm thay đổi và biến chất vòng tuần hoàn của nước. Khi nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu, nước bốc hơi nhanh hơn, dẫn đến khô hạn. Đồng thời, không khí nóng có thể chứa nhiều hơi ẩm hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra những trận mưa lớn thảm khốc.
“Hạn hán và lũ lụt là hai mặt trên cùng một đồng xu biến đổi khí hậu”, Stefano Materia - nhà khoa học người Italy tại Trung tâm Siêu máy tính Barcelona - cho biết. “Nhiều nghiên cứu chỉ ra hạn hán ở Địa Trung Hải có liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu, khi sự thay đổi trong hoàn lưu khí quyển và nhiệt độ toàn cầu tăng lên khiến khu vực này cực kỳ nóng”.
“Điều này đồng nghĩa nhiều năng lượng hơn, nhiều hơi nước hơn, nhiều bất ổn hơn - tất cả yếu tố này thúc đẩy các cơn bão khủng khiếp khi gặp điều kiện khí quyển thuận lợi. Biển Địa Trung Hải hiện tại là một quả bom hẹn giờ”, ông Stefano Materia nhấn mạnh.
Hình ảnh về trận thiên tai lịch sử tại Tây Ban Nha. Ảnh: Getty
Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá Tây Ban Nha và các nước láng giềng là điềm báo cho những gì phần còn lại của châu Âu sớm phải đối mặt.
Các chuyên gia về khí hậu khẳng định lũ lụt nên đóng vai trò như một lời nhắc nhở cho con người. Chúng ta cần thúc đẩy giảm ô nhiễm, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm cũng như các kế hoạch ứng phó nhanh.
"Sự kiện bi thảm này cho thấy chúng ta còn một chặng đường dài phía trước. Không thể để nhiều người thiệt mạng vì những sự kiện thời tiết có thể dự báo trước ở những quốc gia có đủ nguồn lực để làm tốt hơn nữa”, Liz Stephens - nhà khoa học về rủi ro khí hậu tại Đại học Reading - cho biết.